Cuộc tiến công thần tốc của các chiến binh Taliban đã khiến Mỹ và Anh thông báo gửi hàng nghìn binh sĩ trở lại Afghanistan để bảo vệ và hỗ trợ các cuộc sơ tán dân thường của công dân nước họ và những người khác, bao gồm cả nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul. Trong khi giao tranh trên diện rộng ngày càng gia tăng, hàng nghìn người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa vì lo ngại Taliban sẽ lại áp đặt một chính phủ đàn áp.
Nhu cầu hỗ trợ đang tăng lên trong khi môi trường hoạt động trở nên hạn chế hơn do sự leo thang của xung đột. Ông Guterres hôm 15/8 đã kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế tối đa", đảm bảo rằng các tổ chức nhân đạo không bị cản trở việc tiếp cận để cung cấp các dịch vụ viện trợ nhân đạo kịp thời.
Một thông báo gửi cho phái đoàn báo chí của Liên Hợp Quốc cho biết ông Guterres đang theo dõi với mối quan tâm sâu sắc về tình hình đang diễn tiến nhanh chóng ở Afghanistan, trong bối cảnh liên tục có những báo cáo về việc vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc giao tranh.
Khủng hoảng nhân đạo
Các cơ quan của Liên hợp quốc quyết tâm tiếp tục công việc hỗ trợ cứu sinh tại quốc gia này. Tổng thư ký António Guterres nhấn mạnh rằng Tổ chức vẫn tập trung vào việc hỗ trợ số lượng người Afghanistan đang gặp khó khăn.
Người phát ngôn Dujarric cho hay: “Cộng đồng nhân đạo - cả Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ - vẫn cam kết giúp đỡ người dân Afghanistan, nhưng môi trường an ninh rất phức tạp và đầy thách thức”.
Theo UNICEF, hơn 18 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo. Khoảng bốn triệu trẻ em không được đến trường. Khoảng 400.000 người đã rời bỏ nhà cửa để tìm nơi ẩn náu, hơn một nửa trong số đó là trẻ em. 500 trường hợp trẻ em tử vong cũng được ghi nhận kể từ đầu năm, với mức tăng rất đáng kể trong bốn tuần qua.
Như mọi quốc gia khác trên thế giới, Afghanistan cũng phải oằn mình với đại dịch COVID-19, giết chết 100 người và ít nhất 2.000 trường hợp dương tính mới mỗi ngày theo thống kê, mặc dù UNICEF thừa nhận khả năng thống kê và thu thập số liệu của đất nước này gặp phải rất nhiều trở ngại và thiếu sót.
Afghanistan hiện còn đang phải hứng chịu một đợt hạn hán ảnh hưởng đến gần 85% đất nước. Thu hoạch ước tính cho năm nay rất kém, kéo theo nạn đói và mất cân bằng dinh dưỡng diễn ra trên diện rộng.
Hai mẹ con trong trại Haji dành cho những người tản cư ở Kandahar, Afghanistan. (Ảnh: UNICEF) |
Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em
Tổng thư ký đặc biệt quan tâm đến tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, công hàm nhấn mạnh rằng “mọi hành vi lạm dụng phải chấm dứt". Ông kêu gọi Taliban và tất cả các bên khác đảm bảo rằng luật nhân đạo quốc tế cũng như các quyền và tự do của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo vệ. “Liên hợp quốc vẫn quyết tâm đóng góp vào công cuộc giải quyết hòa bình, thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường đang gặp khó khăn.”
"Đến cuối năm 2021, nếu tình hình vẫn như hiện nay, một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi sẽ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng", ông Mustapha Ben Messaoud, Giám đốc Điều hành Thực địa và Ứng phó Khẩn cấp của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc) tại Afghanistan cho biết, "Chúng tôi không có con số chính xác về dân số Afghanistan, nhưng ước tính có 18 triệu người Afghanistan đang và sẽ cần hỗ trợ nhân đạo. Con số này rất có thể sẽ tăng lên và từ 20 đến 24 triệu."
Một trong những hoạt động mà UNICEF đang thực hiện và cố gắng tăng cường là hỗ trợ tâm lý xã hội cho cả người lớn lẫn trẻ em. Ông Mustapha tiếp tục: "Trẻ em (ở Afghanistan) phải nhìn thấy những thứ mà chúng ta không nên nhìn thấy ở độ tuổi đó, đúng hơn, không có bất cứ ai nên thấy." Các em phải ẩn náu dưới hầm hoặc trong lều được phát cứu trợ, phải xếp hàng để chờ nhận được khẩu phần ăn và nước uống, phải học cách làm quen và ứng phó ra sao khi nghe tiếng bom đạn. Các trại tị nạn được dựng lên không có nước sạch và vệ sinh, tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tả hoặc các bệnh khác có thể lây lan.
Một người mẹ và những đứa con đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Lashkargah và hiện đang sống trong một trại di tản ở Kandahar, miền nam Afghanistan. (Ảnh: UNICEF) |
Theo thông tin cập nhật nhanh chóng từ nhóm cứu trợ của Liên hợp quốc vào đầu ngày 15/8, trong nửa tháng, đã có 17.600 người di tản nội địa đã đến Kabul. Các trường hợp khác không được báo cáo. Thêm 2.000 dân thường đã được xác minh là cần hỗ trợ nhân đạo. Các đối tác nhân đạo cho đến nay đã cung cấp thực phẩm, tiền mặt, vật dụng gia đình, y tế, nước và hỗ trợ vệ sinh cho hơn 13.500 người di tản. Tuy nhiên, việc hoạt động đang được dừng lại từ chiều 15/8 do tình hình bất ổn tại Kabul.
Mustapha Ben Messaoud cho hay Taliban từng liên hệ với UNICEF, cho biết đã đạt được thỏa thuận với người phụ trách y tế ở khu vực bị chiếm đóng, và mong muốn UNICEF tiếp tục cung cấp các chương trình y tế, đặc biệt là tiêm phòng bại liệt. Dù vậy, tổ chức vẫn cần thêm thời gian để phân tích và xác minh rằng mọi thứ đã ổn định, đảm bảo nhân viên cứu trợ có thể đến và đi một cách an toàn.