Đối với các nước, độ tuổi mắc ung thư vú thường là 60 - 65 tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam độ tuổi mắc ung thư vú trẻ hơn nhiều. Thậm chí, có những trường hợp phát hiện bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ ở tuổi đôi mươi. Không ít bệnh nhân ung thư vú còn trẻ, rất nhiều trong số đó chưa có gia đình và có người vừa còn bước vào ngưỡng cửa đại học.
Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, vì bệnh nhân tự sờ thấy được. Ung thư vú có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Tại Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về biện phát tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc khám sàng ung thư vú định kỳ nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
Dấu hiệu bệnh ung thư vú
Khi thấy các triệu chứng dưới đây, chị em cần đi khám ngay:
Sưng hoặc có khối u ở nách: Có khối u ở gần vú hoặc nách là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị ung thư vú. Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, không đau khi chạm vào. Để phát hiện sớm các cục u ở vú, chị em nên sờ nắn, kiểm tra vú hàng tháng, sau khi sạch kinh bởi đó là thời điểm vú mềm nhất. Ngoài dấu hiệu khối u, chị em cần chú ý nếu vùng da ở vú dày hơn, bất thường so với bên vú còn lại, vì đây cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.
Những thay đổi về hình dạng, kích thước vú: Nhiều phụ nữ không sờ thấy khối u như thông thường mà họ thấy ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường so với bên vú còn lại. Đây cũng là triệu chứng của ung thư vú, thường gặp ở những người có mô vú dày đặc. Có tới 50% phụ nữ có mô vú dày đặc, và điều này khiến cho việc phát hiện ung thư vú gặp khó khăn hơn.
Sự thay đổi ở núm vú: Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú, gây ra những thay đổi và cảm nhận ở núm vú. Ở những người mắc bệnh, núm vú thường dẹt hơn, tụt vào trong, tiết dịch hoặc máu. Da xung quanh núm vú có thể có vảy, viêm...
Ngứa ở ngực: Triệu chứng này chủ yếu liên quan tới ung thư vú viêm, và thường bị bỏ qua. Người bệnh bị ung thư vú viêm thường bị ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hay sần sùi như vỏ cam.
Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ: Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp.
Vú bị đỏ và sưng: Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau... thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú.
Đau ở ngực hoặc vú: Đau ở bệnh nhân ung thư vú, được mô tả là cơn đau buốt, đến và đi nhanh chóng, giống như một luồng điện nhẹ đi từ ngực trái đến ngực phải.
Lời khuyên phòng ngừa ung thư vú dành cho phụ nữ trẻ
Có đến khoảng 80 - 90% bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0 - 1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện. Tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà là việc làm quan trọng cho tất cả nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn. Để thực hiện, nên đứng trước gương, giơ hai tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm.
Khi thấy bất thường - có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho cơ hội chữa bệnh thêm ít đi.
Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực tràng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.