Để vòng tuần hoàn nhựa được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống rất cần đến sự chung tay đồng lòng của người dân, cộng đồng địa phương, các cơ quan ban ngành, cùng các tổ chức phi chính phủ; các đơn vị thu gom, đội ngũ lao động ve chai tự do cùng phối hợp phân loại đúng cách, thu gom và chuyển giao cho các đơn vị tái chế để thiết lập một hệ thống thu gom và tái chế bền vững. Tiếp đến, nỗ lực tham gia của các doanh nghiệp ở giai đoạn sản xuất như Unilever và Central Retail giúp phân phối diện rộng, tiếp cận trực tiếp với lượng lớn người tiêu dùng đóng vai trò không thể thiếu song hành trong các hoạt động đời sống xã hội.
Sở hữu hơn 340 cửa hàng và trung tâm thương mại trải dài trên khắp cả nước và tiếp đón trung bình 175,000 lượt khách mỗi ngày, trong năm 2023, Central Retail Việt Nam là đối tác bán lẻ tiên phong cùng Unilever khởi động dự án Phân loại rác thải nhựa tại nguồn trên quy mô các nhà bán lẻ tại Việt Nam. Chương trình được hai bên đồng hành triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị thuộc khu vực miền Nam của Central Retail, hướng đến nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: “Là doanh nghiệp hàng tiêu dùng gắn bó với cuộc sống của hàng triệu gia đình Việt, Unilever luôn trăn trở, tiên phong tìm kiếm các giải pháp giúp giải đáp bài toán giảm ô nhiễm rác thải nhựa tối ưu nhất". |
Ở dự án này, Unilever Việt Nam đóng vai trò phối hợp và kết nối với các đối tác trong chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ phân loại, thu gom và tái chế chất thải nhựa trên địa bàn các trung tâm thương mại diễn ra chương trình. Central Retail Việt Nam cũng tích cực bố trí nhân sự và khu vực tập kết rác thải tại các trung tâm thương mại đang phát động chương trình để hoạt động được diễn ra hiệu quả.
Central Retail là đơn vị then chốt, thông qua hệ thống các siêu thị của mình, giúp phân phối những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng, đồng thời tuyên truyền và khuyến khích người mua hàng duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn để công tác thu gom và tái chế rác thải nhựa được triển khai hiệu quả.
Người dân tích cực tham gia ủng hộ mua sắm xanh. |
Với những hoạt động thực tiễn được đề ra, dự án còn góp phần xây dựng và duy trì thói quen mua sắm “xanh” của người tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi nylon dùng một lần hoặc bao bì khó phân hủy trong các hoạt động hằng ngày. Từ đây tạo ra các hành động mạnh mẽ và lan tỏa trên toàn quốc, góp phần giảm tải gánh nặng cho môi trường.
Việc khuyến khích, hướng dẫn phân loại rác chi tiết trong từng sinh hoạt hằng ngày tại các điểm tiêu dùng trọng yếu của người dân như trung tâm thương mại, kết hợp cùng các hoạt động mua sắm xanh nhận ngay túi vải thân thiện môi trường sẽ giúp người dân có được cái nhìn toàn diện về thực trạng rác thải nhựa cũng như ý nghĩa to lớn từ mỗi hành động nhỏ của chính mình tại nơi sinh hoạt. Qua đó, tạo nên tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người tiêu dùng hàng ngày trong gia đình.
Ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc Central Retail Việt Nam: “Hơn 10 năm có mặt ở Việt Nam, Central Retail luôn nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh mà còn vươn xa hơn thông qua các sáng kiến hướng đến môi trường và cộng đồng, với sự hỗ trợ đồng hành từ các đối tác chiến lược". |
Hiểu rõ tầm quan trọng của khâu phân loại rác tại nguồn và nâng cao ý thức người dân trong từng hành động cụ thể, trước đó, Unilever Việt Nam cùng Ủy Ban Nhân Dân Quận 7 cũng đã hợp tác triển khai chương trình “Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế tuần hoàn” nhằm thiết lập và hoàn thiện hệ thống phân loại và thu gom rác nhựa tại cộng đồng, từ đó biến rác nhựa thành nguyên liệu tái sinh để quay trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất và đời sống.
Người tham dự hào hứng ký tên vào bức tường kỉ niệm như lời cam kết hình thành thói quen tách nhựa để tái chế ngay tại nhà. |
Chiến lược quản lý nhựa của Unilever bao gồm 3 mục tiêu chính: cải thiện vật liệu bao bì để tăng cường khả năng tái chế; giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh; thu gom và tái chế nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và tận dụng nhựa PCR. Thông qua những chương trình hợp tác, doanh nghiệp cũng đã thu gom và tái chế hơn 20.000 tấn rác thải nhựa, từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm được đưa ra thị trường của doanh nghiệp đến năm 2025.
Với nhiều chương trình hành động cụ thể, phối hợp cùng các đối tác trong chuỗi giá trị của mình, tập đoàn mong muốn đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa của Việt Nam.