Đó là kết quả nghiên cứu công bố mới đây của Khoa Y thuộc Đại học Washington, Mỹ.
Để xác định mức độ phản ứng của những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đối với vaccine ngừa COVID-19, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh dữ liệu của hai nhóm gồm 133 bệnh nhân và 53 người khỏe mạnh. Các bệnh nhân này đang dùng ít nhất một loại thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị một số bệnh như viêm ruột, viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống, bệnh lupus và bệnh đa xơ cứng.
Những người tham gia nghiên cứu được lấy máu trong vòng 2 tuần trước khi tiêm vaccine của Pfizer hoặc Moderna mũi đầu tiên và trong vòng 3 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Các nhà nghiên cứu đã đo mức độ kháng thể và lượng tế bào sản xuất kháng thể trong mẫu máu của họ. Trong thời gian này, tất cả các bệnh nhân tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ngoại trừ 3 bệnh nhân phải tạm dừng thuốc trong vòng một tuần kể từ khi tiêm vaccine.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, tất cả những người khỏe mạnh đều phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ này ở những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch là 88,7%. Tuy nhiên, mức kháng thể và số lượng tế bào sản xuất kháng thể ở nhóm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch chỉ bằng 1/3 so với nhóm khỏe mạnh.
Cũng theo nghiên cứu, chỉ 65% số người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch glucocorticoid và 60% số người dùng các liệu pháp làm suy giảm tế bào B hình thành các phản ứng kháng thể rõ rệt. Ngoài ra, phản ứng miễn dịch của những người dùng thuốc chống chuyển hóa như methotrexate, thuốc ức chế TNF hoặc thuốc ức chế JAK không yếu hơn đáng kể so với những người không dùng những loại thuốc này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine số ra ngày 30/8.