Cùng dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc…
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà Văn phòng Quốc hội đã đặt ra cho năm 2020 và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, cải tiến công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội; bám sát các chương trình, kế hoạch đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ban hành để khẩn trương xây dựng kế hoạch tham mưu, phục vụ việc triển khai các nhiệm vụ. Căn cứ vào đó, Văn phòng Quốc hội cần bố trí thời gian phù hợp để nghiên cứu chuyên sâu, chủ động đề xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ trong tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại; nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng...
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong Văn phòng Quốc hội - TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Văn phòng Quốc hội cần sớm hoàn thiện và triển khai Đề án về số lượng biên chế tối thiểu, sắp xếp cơ cấu bên trong của Văn phòng Quốc hội. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ để xem xét việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết 417 và 618 theo như kiến nghị, đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, cả hệ thống chính trị đang tích cực triển khai các Nghị quyết của Đảng về việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, đây là vấn đề sát sườn, có ý nghĩa thời sự, cấp bách. Từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng phải nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong việc quán triệt Nghị quyết của Đảng cũng như chủ trương của Đảng đoàn Quốc hội. Muốn có bộ máy gọn nhẹ, năng động, hiệu quả hơn thì Văn phòng phải xây dựng cho được một đội ngũ “tinh” để nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện các chức năng của Quốc hội. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, có những giải pháp, biện pháp phù hợp để thực sự tạo ra đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ thiết thực đối với bộ máy nhà nước. Văn phòng Quốc hội cần bám sát chủ trương, chính sách mới trong thời gian tới để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp với đặc thù của một cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách ở Trung ương. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế cần được thực hiện một cách quyết liệt nhưng phải lắng nghe, thận trọng, chắc chắn, bởi đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến tâm tư, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bên cạnh đó, cần quan tâm để có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng với công sức và “chất xám” của người lao động, thúc đẩy niềm đam mê, khát khao cống hiến của đội ngũ cán bộ để họ thêm gắn bó, yên tâm công tác. Điều này cần được thể hiện cụ thể trong quá trình phối hợp xây dựng Đề án bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp đối với công chức, viên chức thuộc Văn phòng Quốc hội.
Văn phòng cũng cần nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan có tính chất công việc tương đồng và từ yêu cầu đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng. Từ đó, Văn phòng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy định về điều kiện bảo đảm, chế độ chính sách.
Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục phát huy kết quả tham mưu, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2019 để đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội. Trong đó, sớm đưa Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử vào hoạt động hàng ngày bảo đảm chất lượng, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng.