Vị trí đứt cáp quang biển AAG đã được xác định
Thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp AAG cho biết đã tìm được vị trí đoạn cáp quang bị đứt. Việc sửa chữa sẽ mất khoảng gần một tháng để hoàn thành.
Đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á –Thái Bình Dương (Asia America Gate Way - AAG) cho biết, vị trí đứt cáp cách trạm cập bờ Vũng Tàu 117 km. Công tác hàn nối cáp đang được tiến hành khẩn trương.
Trước đó, vào 8 giờ 04 phút ngày 5/1/2015, tuyến cáp quang biển AAG đã xảy ra sự cố trên đoạn cáp S1H, đoạn rẽ nhánh vào trạm cập bờ Vũng Tàu. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng. Việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
|
Sơ đồ hệ thống cáp quang biển thông thường. Ảnh: CPC |
Ngay sau sự cố, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đã có hướng xử lý nhằm hạn chế tình trạng gián đoạn truy cập đi quốc tế. Theo thông tin từ Viettel thì đơn vị này sẽ hoàn thành định tuyến đường truyền internet ra quốc tế của khách hàng và đảm bảo đưa internet ổn định trở lại vào ngày 8/1. Trong khi đó, tổng đài chăm sóc khách hàng của VNPT cho biết, "khách hàng chỉ cần chờ đợi thêm 1 hoặc 2 ngày tới, chứ không quá lâu".
FPT Telecom thì phát đi thông báo: "FPT Telecom đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. FPT Telecom khuyến cáo khách hàng nên sử dụng internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải".
So với các sự kiện đứt cáp AAG đã từng xảy ra thì thời gian sửa chữa thường không quá 3 tuần. Chẳng hạn, lần đứt cáp vào tháng 7/2014 cần khoảng 12 ngày để sửa chữa, còn lần đứt cáp vào tháng 9/2014 thì cần khoảng 17 ngày.
Trong lúc sự cố chưa khác phục xong, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam ra quốc tế, như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.