Nhưng chẳng vấn đề gì cả. Thay vì chúng ta đón Giáng sinh và năm mới bên nhau như bao năm qua, dù là ở châu Âu trong những hành trình rong ruổi những ngày cuối năm, lúc Thụy Sĩ, Pháp, Áo, lúc lại ở các nước Nam Âu, hay là ở Việt Nam, thì chúng ta sẽ tổ chức lễ hai lần. Một lần theo giờ Việt Nam, một lần theo giờ Anh, đương nhiên qua Facetime. Đó là cách mà chúng ta đã từng làm trong những giao thừa Tết Nguyên đán những năm trước. Không ở bên nhau không phải là điều tồi tệ. Không yêu thương nhau mới là điều đáng sợ. Mà tình yêu của những người trong gia đình dành cho nhau luôn lớn lao và không bao giờ vơi cạn.
Đêm Giáng sinh, con ở cùng một gia đình người bạn thân. Cô bé ấy cùng tuổi con gái, là người Anh, và cũng như con, họ nói năm nay Giáng sinh rất đặc biệt, bởi chúng ta đang sống trong thời đại dịch. Thành phố của con không nằm trong khu vực có nguy cơ cao như London, nhưng con vẫn rất cẩn thận, ít di chuyển, và ngoài việc đến nhà bạn trong thành phố, con ở lại kí túc xá và vui vẻ với các bạn đang sống trong đó. Cũng như con, họ không thể về nhà Giáng sinh và năm mới này. Và giờ, để chờ đợi một cuộc hội ngộ, có thể sẽ phải chờ đến mùa hè, tức là 6 tháng nữa, khi con bay về nhà. Hy vọng đến lúc ấy, tất cả sẽ ổn, nhưng cũng không ai biết trước chuyện gì có thể xảy ra, khi rất nhiều những kế hoạch đã được lập ra từ năm 2020 đều bị đẩy lùi lại sang năm mới mà chưa chắc đã làm được.
Cho dù có nhiều bất trắc đi nữa, thì có một điều chắc chắn, con sẽ ở đó để để học đại học, và sau đó nữa, khi đã tốt nghiệp, con toàn quyền quyết định việc con sẽ làm gì và ở đâu. Gia đình cũng sẽ dần quen với việc một trong những thành viên không ở bên nhau ngày lễ tết hoặc những ngày quan trọng của gia đình. Con đã tự lập từ nhỏ, nay con lớn. Ở một nơi cách bố mẹ cả vạn dặm, con có cuộc sống của riêng con, với những lo toan, vất vả, những trăn trở và nỗi niềm riêng. Chúng ta ai cũng có cuộc sống riêng và đều có trách nhiệm với phần đời của bản thân mình. Hạnh phúc của con, dù con ở bất cứ đâu và làm gì, cũng là hạnh phúc của bố mẹ.
Bố không bao giờ đồng ý với những quan điểm nói rằng, để con cái đi sống ở xa là mất con. Bố cũng không giống những người khác khi cho rằng, cho con cái đi học nước ngoài là một sự đầu tư. Những gia đình yêu thương nhau chẳng bao giờ mất nhau. Sự xa cách về khoảng cách chỉ là một thực tế rất bình thường trong cái thế giới thật rộng lớn, nhưng đã trở nên nhỏ hẹp lại bởi con người ta vẫn luôn biết yêu thương nhau. Con cái cũng không phải là một khoản đầu tư để từ đó nghĩ đến lợi nhuận, thiệt hay lời.
Trách nhiệm của bố mẹ là đẻ con ra, nuôi con lớn, truyền cho con cảm hứng sống tử tế và chắp cánh cho con bay đi đến những chân trời mơ ước, chứ không phải là cột chặt con cái trong những suy nghĩ cổ hủ và giáo điều về trách nhiệm phải phụng dưỡng cha mẹ.
Hẹn ngày tái ngộ, hoặc ở đây hoặc ở châu Âu!