Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu thực trạng nhiều người dùng đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng internet; lập các trang Facebook mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. "Đâu là giải pháp cho việc này?", ông hỏi.
|
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ 2.200 video "nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo" phát trên YouTube. Đến ngày 12/4, Google đã hạ 1.299 "video xấu độc, trong đó có một tài khoản YouTube đăng tải 500 video thông tin xuyên tạc về lãnh đạo".
Ngoài ra, trong cuộc làm việc ngày 4/4, Bộ tiếp tục yêu cầu Google thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ "thông tin xấu độc", vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của hãng này như blog, trang web. Bộ Thông tin cũng vừa thành lập tổ công tác xử lý thông tin vi phạm trên mạng với sự tham gia của Bộ Công an.
"Mạng xã hội như một con đường, trên đó có người tốt và kẻ xấu", ông phân tích và cho hay "thông tin xấu độc", giả mạo không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà với hầu hết các nước trên thế giới. Các trang được cấp phép trong nước thì phần lớn tuân thủ quy định. Thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội cung cấp nội dung xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook. Đây là môi trường ảo nên người dùng có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.
Giải pháp cho vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh đến việc thông tin chính xác, nhanh chóng trên cơ quan báo chí chính thống. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin đang thúc đẩy mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ.
"Về dài hạn, chúng ta cần có những mạng xã hội tương đương và có khả năng thay thế, cạnh tranh được với Facebook tại Việt Nam, do doanh nghiệp trong nước cung cấp", ông Tuấn nói
Gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh các trang mạng xã hội. Cụ thể như, cuối năm 2016, Bộ đã ban hành thông tư 38 với các quy định chi tiết để áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.
Với trường hợp người dùng đưa "thông tin xấu độc" trên mạng xã hội, khi cơ quan chức năng xác định được nhân thân thì áp dụng quy định hiện hành để xử lý. Năm 2015, nhà chức trách đã xử phạt hành chính 11 trường hợp; 2016 xử phạt 4 trường hợp và tiến hành 2 đợt thanh tra.
Các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây khi nhà chức trách trong nước yêu cầu mạng xã hội nước ngoài gỡ bỏ thì gặp khó khăn do sự khác biệt về pháp lý. Nay căn cứ thông tư 38 nêu trên, Bộ đã có cơ sở pháp lý yêu cầu các hãng công nghệ nước ngoài tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam không chỉ có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc hàng cao nhất thế giới, khoảng 45 triệu tài khoản, mà còn nằm trong top 10 nước có lượng người dùng YouTube cao nhất trên thế giới.
Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định không có chuyện kiểm duyệt trước. Bộ Thông tin giám sát, hậu kiểm và qua đó khi phát hiện sai phạm thì xử lý.
Hình thức xử lý của Bộ có thể là nhắc nhở tại hội nghị giao ban báo chí hoặc bằng văn bản, xử phạt vi phạm hành chính, thu thẻ nhà báo...
Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm.