Với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi,” Ngày Nước Thế giới (22/3) năm 2023 đang được Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ nhằm tạo ra những thay đổi trong công tác bảo vệ, điều hòa và phân bổ tài nguyên nước công bằng, hợp lý.
Đây cũng là dịp để kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động nhằm cải thiện, phục hồi hàng loạt dòng sông, đoạn sông đã và đang bị suy thoái, ô nhiễm; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
“Nước là tài sản cần phải bảo vệ”
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc và nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn các hệ thống sông lớn đều là các sông xuyên biên giới mà nước ta là quốc gia ở hạ nguồn. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 520 tỷ m3 (chiếm 63% tổng lượng dòng chảy của các sông ở nước ta).
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; ô nhiễm nguồn nước phổ biến; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao.
Đáng chú ý, nhiều dòng sông (nhất là tại các khu vực đô thị) đang trở thành nơi chứa nước thải, nhất là nước thải sinh hoạt. Hệ lụy là của thực trạng trên là tài nguyên nước ở Việt Nam đang "quá thừa, quá thiếu, quá bẩn" và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường hiện hữu ngày nay đang là mối đe dọa, rủi ro rất lớn trong cuộc sống con người. Trong đó, dân số ngày càng tăng, nông nghiệp, công nghiệp ngày càng sử dụng nhiều nước hơn; biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ và ngày càng rõ nét.
Tuy vậy, ông Khuyến cũng lưu ý nước không chỉ mang đến cho chúng ta những thách thức, mà còn mang đến nhiều cơ hội lớn.
“Nếu chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng và mối liên kết hữu cơ của nước trong tự nhiên, trong cuộc sống, chúng ta sẽ đưa ra được giải pháp toàn diện để cùng tăng cường năng lực và cung cấp giải pháp tối ưu cho nước," ông Khuyến nêu quan điểm và kêu gọi mỗi người cần thay đổi càng sớm càng tốt trong nhận thức và hành động về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước.
Theo ông Khuyến, mỗi hành động dù nhỏ đến đâu cũng sẽ tạo nên sự khác biệt. Đó là ý nghĩa mà chủ đề Ngày Nước Thế giới năm nay muốn lan tỏa. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo ông Khuyến, Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước.” Hiến pháp Việt Nam đã quy định “nước là tài sản.” Vì thế, các chính sách, thể chế về tài nguyên nước đang được hoàn thiện là cơ sở để quản lý một cách bài bản và có tầm nhìn xa.
Cụ thể hóa quan điểm trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng tăng cường công tác triển khai các hoạt động hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước; cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Điển hình là việc Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là Quy hoạch tổng hợp khu vực sông Hồng - Thái Bình và Quy hoạch tổng hợp khu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+) |
Thống nhất quản lý, cải thiện các dòng sông
Đại diện Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết các quy hoạch trên được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá, thay đổi trong công tác quản lý, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các quy hoạch cũng đề ra kế hoạch cải thiện, phục hồi hàng loạt dòng sông có vai trò quan trọng trong việc cấp nước, duy trì bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh đang bị suy thoái và ô nhiễm. Trong đó, ưu tiên thực hiện đối với sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải; sông Vu Gia, hạ lưu sông Trà Khúc sau đập Thạch Nham; thượng lưu sông Ba sau đập An Khê; khu vực hạ lưu sông Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cho rằng thời gian tới quy hoạch cần phải thực hiện cả giải pháp công trình và phi công trình.
Theo đó, giải pháp công trình (cải tạo hệ thống công trình đầu mối) gồm cống Vân Cốc, Đập Đáy và nạo vét sâu toàn bộ lòng dẫn sông Đáy; xây dựng cống Vân Cốc thay thế cống Vân Cốc cũ và Đập Đáy, nạo vét sông Đáy từ Vân Cốc đến Phủ Lý; nghiên cứu tính khả thi trong việc tiếp nguồn cho sông Đáy từ sông Tích thông qua kênh tiêu Săn - Thụy Đức với lưu lượng khoảng 20 m3/s.
Các giải pháp phi công trình như kiểm soát các nguồn thải, không để tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước các sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Thương nghiệm trọng hơn; đồng thời kết hợp các giải pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước, đáy sông và chuyển nước giữa các sông để khôi phục chất lượng nước, dòng chảy, cảnh quan môi trường trên các sông.
Đối với tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng thời gian tới cần phải có một “nhạc trưởng” để thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước trong vùng.
Mặt khác, quy hoạch phát triển các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần phải thực hiện thống nhất theo quy hoạch cấp vùng, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước; và sớm hoàn thành kiểm kê tài nguyên nước.
Cùng với các quy hoạch trên, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang được Chính phủ giao tập trung nguồn lực xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua trong năm 2023, với kỳ vọng: giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương.
“Như vậy, với các nhiệm vụ quan trọng trên, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai với những dòng sông trong lành làm đẹp cảnh quan đồng thời mang lại nguồn nước cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất,” ông Khuyến nhấn mạnh.