Đây là kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2025 nhằm triển khai các quyết định quan trọng, mang tính định hướng của UNESCO trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho rằng thế giới đang ở thời điểm khó khăn, với nhiều thách thức đan xen, như khủng hoảng khí hậu và môi trường, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), sự gia tăng bất bình đẳng, bạo lực và xung đột vũ trang…, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế trên cơ sở rộng mở, bình đẳng, cùng có lợi, và sứ mệnh của UNESCO thúc đẩy hoà bình thông qua đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, tiên phong trong hợp tác toàn cầu về giáo dục - đào tạo, văn hoá, di sản, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trước những kết quả đáng ghi nhận mà UNESCO đã đạt được trong thời gian qua, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Tổng giám đốc, Ban Thư ký UNESCO và các quốc gia thành viên trong thúc đẩy tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực, đa dạng hóa nguồn lực, mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và tính hiệu quả của tổ chức.
Ông Hà Kim Ngọc đề xuất UNESCO và Hội đồng chấp hành tiếp tục triển khai các sáng kiến, chương trình, hoạt động thực hiện mục tiêu SDG-4, giáo dục chất lượng, công bằng và học tập cho tất cả mọi người, tăng cường hiệu quả Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, các trường học liên kết của UNESCO, Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu; gắn kết văn hoá, di sản vì phát triển bền vững; thúc đẩy khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước, quản trị đại dương và ứng phó biến đổi khí hậu… đóng góp cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (9/2024), góp phần hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc… Ông Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương và vai trò của UNESCO; cam kết sẽ tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực hơn nữa cho công việc chung.
Nhân dịp này, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu, Chủ tịch Hội đồng chấp hành Vera Khoury Lacoeuilhe, Chủ tịch Đại hội đồng Simona-Mirela Miculescu, Trợ lý Tổng Giám đốc về Quan hệ đối ngoại và khu vực châu Phi Anthony Ohemeng-Boamah, Trợ lý Tổng Giám đốc về Khoa học tự nhiên Lida Brito, và trưởng đoàn của một số quốc gia, để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo, Giám đốc bộ phận tư vấn và giám sát thực hiện Công ước di sản thế giới của ICOMOS Regina Durighello để trao đổi về tăng cường hợp tác trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam.
Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc, lãnh đạo UNESCO và trưởng đoàn của các quốc gia đều đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và các quốc gia thành viên, cũng như đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của tổ chức, với tư cách là thành viên của 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO như Hội đồng chấp hành, Đại hội đồng, Uỷ ban Di sản thế giới, Ủy ban Liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, cũng như các công việc chung của UNESCO; nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu của sự hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc mong muốn Lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn... Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trân trọng mời, đồng thời chuyển lời mời của các địa phương đến các lãnh đạo UNESCO tới tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh (Ninh Bình, 4/2024), Lễ hội vì hoà bình năm 2024 (Quảng Trị, 7/2024), Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024)… Các nhà lãnh đạo UNESCO đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức các hoạt động có ý nghĩa này, cảm ơn vì lời mời, rất mong được tham dự và sẽ khẳng định sớm.
Kỳ họp lần thứ 219 của Hội đồng chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 28/3 với chương trình nghị sự trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, nhân sự, quản lý, quan hệ đối ngoại.