Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký – người có “bàn chân kỳ diệu”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Trước đây trong sách giáo khoa lớp 3 có bài “Em Ký đi học”, sau sách giáo khoa lớp 4 sửa thành “Anh Ký đi học”. Sách giáo khoa lớp 4 hiện nay thì có bài “Bàn chân kỳ diệu” cũng viết về tấm gương vượt qua tật nguyền, học giỏi Nguyễn Ngọc Ký. Từ ngày đầu tiên cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký được “phát hiện” đến nay đã hơn nửa thế kỷ.

Người có “bàn chân kỳ diệu” Nguyễn Ngọc Ký còn gắn liền với danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhà văn viết rất nhiều cho thiếu nhi, kỷ lục gia Việt Nam… Tuy đã về hưu, nhưng hàng ngày Nguyễn Ngọc Ký vẫn làm việc liên tục. Ông cộng tác làm chuyên gia tư vấn với đài 1080, viết văn bằng chân mỗi năm in vài cuốn sách, đi giao lưu với học sinh ở khắp nơi, sáng tác câu đố cho học trò nhiều vô kể…

Kỷ lục sau hơn nửa thế kỷ “Em Ký đi học”

Hiện nay, với mạng internet phổ biến rộng và báo chí “trăm hoa đua nở”, thì gần như không có gì xuất hiện trên mặt đất này mà thiên hạ không biết. Nhưng ở vào thời chiến tranh thì sao? Và số phận cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay, học giỏi ở một miền quê thuộc Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định sẽ như thế nào nếu không ai biết đến cậu?

Nguyễn Ngọc Ký kể rằng bài báo đầu tiên viết về ông trên báo Sông Đào (Nam Định) in năm 1961. Cùng năm đó, báo Thiếu niên tiền phong rồi TTXVN cũng có bài viết về ông. Bác Hồ đọc được về Nguyễn Ngọc Ký và Bác đã gửi huy hiệu tặng ông. Số phận của Nguyễn Ngọc Ký bắt đầu sang trang mới từ những bài báo và tiếp tục trên những trang sách giáo khoa như một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Hình ảnh cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký hì hụi tập viết bằng chân, bị chuột rút đau co rúm cả người, vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao thế hệ.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký – người có “bàn chân kỳ diệu” ảnh 1

Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký và cô Vũ Thị Đậu - nguời vợ hiện nay của ông. Hình chụp tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội vào năm 2010 khi ông làm hội viên đi dự và bà đi theo chăm sóc ông.

Nhiều người thắc mắc là đi học Ký viết bằng chân, sau này thành thầy giáo Ký viết bảng làm sao? Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội rồi về dạy văn ở trường Năng khiếu Hải Hậu - Nam Định. NGƯT Nguyễn Ngọc Ký cho rằng dạy văn không cần thiết phải viết lên bảng nhiều chữ, dạy văn quan trọng là gieo được niềm yêu thích văn chương vào tâm hồn học sinh. Phương pháp “viết bảng” vắn tắt của thầy Ký là viết sẵn trên một tờ giấy gồm gạch đầu dòng các ý chính của bài giảng, rồi dùng một tờ giấy trắng khác che lên. Đến lớp, thầy Ký nhờ học trò dán bài giảng lên bảng, dạy đến phần nào thầy Ký cho gỡ tờ giấy trắng che bên ngoài để nội dung hiện lên.

Năm 2005, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký xin về hưu sớm ở tuổi 57 do sức khỏe yếu. Như vậy, trong 35 năm đứng trên bục giảng, dạy học từ Nam Định, rồi TP.HCM, cùng cả ngàn cuộc giao lưu khác…, Nguyễn Ngọc Ký đã gieo vào lòng biết bao người về tình yêu văn chương. Vậy ai là người đã khiến cậu học trò giỏi toán Nguyễn Ngọc Ký trở thành thầy giáo dạy văn và thành nhà văn như hôm nay? Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại: “Đang là học sinh giỏi toán cấp quốc gia, một lần tôi đọc được ‘Thép đã tôi thế đấy’, càng đọc càng say mê và chính tác phẩm này cùng nhân vật Paven đã khiến tôi gắn bó với văn chương”.

Năm 2006, Nguyễn Ngọc Ký được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở Ban Văn học thiếu nhi. Sau khi nhận thẻ hội viên, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là nhà văn Việt Nam viết bằng chân. Trước đó, cũng trung tâm này công nhận ông là nhà giáo Việt Nam viết bằng chân. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, cho hay: “Kỷ lục là do người ta tặng mình, nếu đăng ký để nhận kỷ lục thì mình có lẽ còn là người đi giao lưu nhiều nhất với hơn 1.000 lần và là người sáng tác nhiều câu đố nhất với hơn 15.000 câu”.

Viết văn với Nguyễn Ngọc Ký không đơn thuần là thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình. Ông cho biết: “Nhờ viết sách tôi mới có tiền để nuôi các con khôn lớn”. Thật vậy, sách của Nguyễn Ngọc Ký chẳng những được in với số lượng lớn mà còn được tái bản đều đặn. Năm 1970, khi vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Ngọc Ký có tự truyện ‘Những năm tháng không quên’ sau đổi tên thành ‘Tôi đi học’ tái bản hơn 10 lần. Tập thơ ‘Chú nhện chơi đu’của ông in 150 ngàn bản và được các trường học nhiệt tình đón đọc. Sau ông viết hồi ký ‘Tôi dạy học’, vì dù thế nào chăng nữa, giáo dục vẫn luôn là mối quan tâm lớn của ông.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký – người có “bàn chân kỳ diệu” ảnh 2
Hồi ký Tôi học đại họccủa NGƯT Nguyễn Ngọc Ký.

Nói về kỷ lục của Nguyễn Ngọc Ký so với những gì ông đã làm được, không đánh giá nào chính xác hơn là hai từ “nghị lực” phi thường của con người ông. Nếu không có nghị lực, chưa chắc ông đã viết được chữ chứ đừng nói chuyện viết văn. Bản thân Nguyễn Ngọc Ký đã là một kỷ lục mà không cần thêm vào bất cứ cái bằng chứng nhận nào khác.

Cưới vợ hai lần nhưng làm rể chỉ một nhà

Nguyễn Ngọc Ký tổng kết đời ông có bốn giai đoạn cuộc đời: đi học, đi dạy học, viết văn làm thơ và gia đình. Sống bằng đồng lương nhà giáo eo hẹp, lại bị tật nguyền như ông, vậy mà ông đã hai lần cưới vợ khiến nhiều người ngạc nhiên. Câu chuyện tình duyên nên nghĩa vợ chồng của Nguyễn Ngọc Ký giống như chuyện cổ tích.

Người vợ đầu của Nguyễn Ngọc Ký tên Vũ Thị Nhiễu, hai người bị “tiếng sét ái tình” trong một lần gặp nhau. Dù bị gia đình ra sức ngăn cản, nhưng cô Nhiễu vẫn khăn gói theo anh Ký, bà thổ lộ quyết tâm với ông: “Dù cho sóng gió phũ phàng/ Lòng em vẫn đứng vững vàng bên anh”. Nếu không có nhà thơ Đoàn Văn Cừ, tác giả bài ‘Chợ Tết’, đứng ra nói giúp với gia đình cô Nhiễu và nhà văn Đặng Liên Chi cùng góp lời thì chuyện vợ chồng Ký - Nhiễu chưa chắc thành đôi.

Nguyễn Ngọc Ký kể: “Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là anh họ cô Nhiễu, còn nhà văn Đặng Liên Chi làm con rễ nhà cô Nhiễu và là anh em kết nghĩa với tôi. Khi bố cô Nhiễu phản đối mối quan hệ giữa tôi và Nhiễu, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã gặp ông cụ để “nói vào”. Tôi nhớ mãi câu của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Ai rồi cũng chết, sướng cũng chết mà khổ cũng chết. Nhưng chỉ có nhà văn là không chết. Cô Nhiễu lấy cậu Ký không khổ đâu, không lấy được cậu Ký còn đau khổ hơn là chết”. Do được nhiều người “nói vào”, năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký và cô Nhiễu đã thành đôi.

Năm 1993, Nguyễn Ngọc Ký vào TP.HCM vừa đi chơi kết hợp khám bệnh. Trong chuyến đi này, Nguyễn Ngọc Ký được mời giao lưu tại nhiều trường học. GS Hoàng Như Mai đã khuyên Nguyễn Ngọc Ký vào Nam sống vì thời tiết tốt cho sức khỏe và tiện việc chữa bệnh, lúc này bệnh thận trong ông đã bắt đầu. Cơ may trong chuyến đi năm ấy còn giúp Nguyễn Ngọc Ký gặp được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chính cụ Phạm Văn Đồng cũng khuyên Nguyễn Ngọc Ký vào TP.HCM công tác luôn. Nguyễn Ngọc Ký đã làm đơn xin chuyển công tác và cụ Phạm Văn Đồng đã có bút phê vào đơn để mọi sự được nhanh chóng.

Tưởng rằng mối tình của cô Nhiễu - thầy Ký sẽ êm ấm dưới nắng đẹp phương Nam, ai đâu ngờ trong thời gian Nguyễn Ngọc Ký đang chuẩn bị đón cô Nhiễu vào, thì ở quê bà bị tai biến não liệt nửa người. Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay nuôi vợ bị liệt một tay, ông an ủi vợ và an ủi chính mình: “Đôi ta còn một tay thôi/ Cứ cười em nhé đừng rơi giọt buồn”. Bảy năm sau ngày bị tai biến, cô Nhiễu qua đời năm 2001 sau một lần bị tai biến nữa, để lại Nguyễn Ngọc Ký với 3 người con.

Trước khi cô Nhiễu mất, bà đã dặn dò người em gái ruột của mình là cô Vũ Thị Đậu (chồng cô Đậu đã mất 10 năm trước đó), rằng: “Em hãy thay chị chăm sóc anh Ký và các cháu như một người mẹ, người vợ”. Thầy Ký và cô Đậu tục huyền, hiện họ sống với 5 người con mà cũng là cháu. Nguyễn Ngọc Ký cưới vợ hai lần nhưng đều làm rể một nhà, chuyện này lạ như chuyện cổ tích, mà cuộc đời ông cũng giống như chuyện cổ tích vậy.

“Em Ký”, “Anh Ký”, “Thầy Ký” của nhiều thế hệ học trò vừa qua đời ở tuổi 75 vào lúc 2h sáng 28/9 tại TP.HCM sau gần 10 năm ông chống chọi với bệnh thận. Theo di nguyện lúc sinh thời của ông, linh cữu sẽ được đưa về an táng tại quê nhà Nam Định.

Nét đẹp tự nhiên trong từng chi tiết đèn kính màu Tiffany. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Họa tiết bí đỏ: Nét đẹp tự nhiên trong từng chi tiết đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Mẫu đèn Squash là một trong những tác phẩm điêu khắc bằng kính màu xuất sắc nhất của Tiffany Studios, được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp tự nhiên của hoa và lá bí đỏ. Thiết kế độc đáo với hình dạng quả bí kết hợp cùng kỹ thuật chế tác tinh xảo đã biến chiếc đèn này trở thành một kiệt tác nghệ thuật đầy ấn tượng.
Ảnh minh hoạ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân
(Ngày Nay) - Bộ Công an cho biết, tính đến giữa tháng 4/2024, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 16 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân, 650 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân.
Các đại biểu tham quan triển lãm.
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra ngày 3/5, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.
Từ ngày 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ trực tuyến
(Ngày Nay) - Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các Cổng dịch vụ công đến nay là trên 29,37 triệu, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là gần 2,1 triệu lượt, số lượt đăng nhập trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là hơn 10,4 triệu lượt. Tổng số tiền tiết kiệm được cho nhà nước ước tính 469 tỷ đồng.
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
(Ngày Nay) - Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức. Hải Phòng xác định, đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và mỗi địa phương.
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
(Ngày Nay) - Tối 2/5, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị, theo dõi tình hình sức khoẻ của 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nhập viện với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.