Buổi biểu diễn đầu tiên của vở kịch Huyền thoại gò Rồng ấp diễn ra tại Nhà hát chèo Kim Mã vào tối 22/7.
Tới dự buổi công diễn của Huyền thoại gò Rồng ấp có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Bà Lê Thị Thuỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương; Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản của "Huyền thoại gò Rồng ấp". (Ảnh: VOV). |
Dù là đêm diễn đầu tiên nhưng khán phòng của Nhà hát Chèo Kim Mã chật cứng. Khán giả chìm đắm trong không gian của Huyền thoại gò Rồng ấp trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ. Mỗi khi sân khấu chuyển cảnh, ở dưới lại vang lên những tràng pháo tay không ngớt.
Vở kịch Huyền thoại gò Rồng ấp do NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn, dựa trên kịch bản của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ. Vở kịch do tập thể nghệ sĩ của sân khấu kịch Lệ Ngọc trình diễn.
Huyền thoại gò Rồng ấp kể về người con gái Phạm Thị Ngà mồ côi cha mẹ. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà mang thai.
Sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên biết được rằng bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà có mệnh đế vương, sẽ xây dựng một triều đại lừng lẫy. Gò Rồng ấp - nơi chôn cha mẹ của Thị Ngà chính là nơi phát mệnh đế vương.
Trong thời gian mang thai, Thị Ngà phái trốn trong rừng sâu. Cô được dân làng và sư Vạn Hạnh bảo vệ, chăm sóc. |
Phú hộ Diên Uẩn vô tình biết được chuyện này. Hắn tìm mọi cách hãm hại mẹ con Thị Ngà với tham vọng đưa con cháu mình lên ngôi vương. Thế nhưng, mọi âm mưu của hắn đều không cưỡng lại được mệnh trời. Con trai của Thị Ngà trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý – người tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ.
Tên phú ông tìm mọi cách hãm hại Thị Ngà, đưa con cháu mình lên ngôi vua. |
NSND Lệ Ngọc chia sẻ: "Huyền thoại gò Rồng ấp sẽ như bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập.
Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ Sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc".
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật của vở kịch cho hay: "Dựa trên kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Huyền thoại gò Rồng ấp là câu chuyện phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý.
Với ngôn ngữ của sân khấu kịch, các nghệ sĩ, đạo diễn và ê - kíp của vở sẽ mang lại một cái nhìn mới mẻ về thời kỳ lịch sử của Việt Nam".
Những tập tục của văn hóa dân gian Việt Nam được phản ánh rõ nét trong "Huyền thoại gò Rồng ấp". (Ảnh: VOV) |
Trong đêm công diễn, Huyền thoại gò Rồng ấp khiến khán giả có lúc rơi nước mắt, xót thương cho số phận khốn khổ của cô gái Thị Nga mồ côi cha mẹ, hàng đêm sau khi xong công việc quét dọn tại chùa lại tới mộ mẹ mộ cha khóc.
Cô gái ấy, sau khi biết mình trở thành mẹ không hề tỏ ra run sợ mà lại cảm thấy hạnh phúc, vì cô nghĩ quãng đời về sau sẽ không phải sống cảnh một thân một mình, sẽ có mẹ, có con, cùng nhau nương tựa để vượt qua những giông tố của cuộc đời.
Cô gái ấy, tưởng là mỏng manh yếu đuối nhưng lại vững vàng chống lại mọi âm mưu thâm độc của tên phú hộ, quyết bảo vệ bằng được đứa con trong bụng. Khi con chào đời gặp khó khăn, Thị Ngà dùng mảnh sành rạch bụng. Lúc con cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc trái tim người mẹ ngừng đập.
Huyền thoại gò Rồng ấp không chỉ đơn thuần kể lại sự ra đời của một vị vua. Hơn cả thế, đó là câu chuyện tôn vinh sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Ở đó, có người mẹ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho con.
Nếu như nhân vật Thị Nga khiến khán giả rơi nước mắt vì xúc động thì họ lại rùng mình kinh hãi và căm phẫn tột cùng với những hành động độc ác của gia đình phú ông.
Chỉ vì muốn con cháu mình được làm vua, hắn quật mộ của cha mẹ Thị Nga lên rồi đặt mộ của cha mình vào đó.
Tiếp đó, gia đình hắn năm lần bảy lượt bày mưu sát hại Thị Nga. Khi thì dùng thuốc độc, khi thì huy động cả đám gia nhân dùng dao truy sát.
Tuy nhiên, kết của mà gia đình phú hộ nhận phải thật bi đát: Đứa cháu ngoại tắt thở ngay khi chào đời, con gái phát điên, con trai bị hổ vồ, vợ chết trong đau đớn. Bản thân hắn cuối cùng cũng nhận phải cái chết.
Những hậu quả liên tiếp mà gia đình phú hộ nhận phải đã chứng minh cho câu nói "quả báo nhãn tiền", kẻ làm điều ác thì vĩnh viễn không bao giờ có được những điều tốt đẹp.
Cảnh kết gây xúc động của "Huyền thoại gò Rồng ấp". |
Nội dung chính của Huyền thoại gò Rồng ấp kể về sự ra đời của Lý Công Uẩn - Hoàng Đế khai quốc của triều Lý, người tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ. Thế nhưng, vở kịch mang một ý nghĩa sâu rộng hơn.
Ở đó có những con người khốn khổ nhưng luôn có ý chí vươn lên, luôn mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đó, có người mẹ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì con, có cả những đứa trẻ vì muốn bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người vô tội mà sẵn sàng tự mình tìm tới cái chết.
Bởi thế, Huyền thọai gò Rồng ấp không chỉ là một vở kịch hay, giàu tính nghệ thuật mà còn lấp lánh vẻ đẹp của sự nhân văn, lòng nhân ái.
Huyền thoại gò Rồng ấp tục phục vụ người xem từ 23/7 - 26/7 tại Nhà hát Chèo Kim Mã.