Cụ thể, tại Công văn số 08.2015/TBCTHĐQT ngày 16/11/2015 gửi đối tác, khách hàng và nhân viên Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên , bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định các văn bản ban hành gần đây của ông Vũ không chỉ khiến dư luận hiểu sai bản chất vụ việc tranh chấp thành viên công ty mà còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Các văn bản đó bao gồm Biên bản cuộc họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT, các Thông báo liên quan đến việc chấm dứt tư cách người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của bà Thảo đối với Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Lý do bà Thảo đưa ra là do HĐQT Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên có 3 thành viên gồm bà, ông Vũ và đại diện Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, thế nhưng tại các lần họp HĐQT thì chỉ có một mình cá nhân ông Vũ dự họp và tự cá nhân ông ra quyết định và kết luận các nội dung của cuộc họp.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Do đó, bà Thảo cho rằng nội dung thông qua tại các Biên bản họp HĐQT là không phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như Điều lệ công ty do không đảm bảo số lượng thành viên tham dự.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng viện dẫn Điều lệ Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên không có quy định nào cho phép HĐQT có thẩm quyền miễn nhiệm đối với chức danh Chủ tịch HĐQT.
Cuối cùng, bà Thảo khẳng định trên báo Phapluatplus, Công ty cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC vẫn là nơi bà Thảo đảm nhận cả 3 vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, bà khuyến cáo mọi giao dịch với các tổ chức, cá nhân không liên quan như Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (gọi là TNG) hay Nhà máy Cà phê Sài Gòn cũng như với các cá nhân không có thẩm quyền đều không có giá trị ràng buộc và công ty bà sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Được biết, bà Thảo là 1 trong 5 cổ đông sáng lập của Trung Nguyên. Trong khi Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm 51% cổ phần trị giá 255 tỉ đồng thì bà Thảo với vị trí Phó Tổng giám đốc chiếm 28% cổ phần trị giá 140 tỉ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện theo pháp luật của phần lớn các công ty trong hệ thống Trung Nguyên. Bà Thảo chỉ là người lèo lái tại Trung Nguyên IC và Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê. Bên cạnh đó, bà Thảo cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TNI, một công ty nhỏ tại Bình Dương.
Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch lữ hành và sở hữu khu nghĩ dưỡng Coffee Tour Resort tại Buôn Ma Thuột. Công ty này hiện có vốn điều lệ 98 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Trung Nguyên sở hữu 70% vốn. Phần còn lại ông Vũ và bà Thảo mỗi người sở hữu 15%.
Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn có 5% cổ phần sáng lập của Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising. Đây là đơn vị nắm giữ quyền nhượng quyền thương hiệu quán cà phê Trung Nguyên (ông Đặng Lê Nguyên Vũ có 10% cổ phần và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên giữ 85% cổ phần).
Các sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 địa điểm gồm: Nhà máy Bình Dương, Nhà máy Bắc Giang và Nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước, Bình Dương.
Trong đó, 2 nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang thuộc quyền quản lý của Trung Nguyên IC trong khi nhà máy Cà phê Sài Gòn thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group).
Cà phê Hòa tan Trung Nguyên có 3 cổ đông sáng lập gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (85%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (10%) và bà Lê Hoàng Diệu Thảo (5%).
Với tỷ lệ sở hữu 85%, về lý thuyết Trung Nguyên Group có toàn quyền quyết định với hoạt động của Cà phê hòa tan Trung Nguyên thông qua việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông.
Tuy nhiên cho đến nay, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên là ai vẫn còn là một ẩn số. Có ý kiến cho rằng, nếu người đại diện của Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, và ông Vũ chính là người được tập đoàn Trung Nguyên (nơi ông Vũ làm chủ tịch HĐQT) ủy quyền tham dự cuộc họp HĐQT, thì việc ông Vũ tự làm, tự ra quyết định, lại hoàn toàn đúng pháp luật.
Bình Nguyên