Nhà nước đang sở hữu căn nhà 57 Cao Thắng và sử dụng hiệu quả từ nguồn tiền của bị cáo
Chiều 17/11, TAND TP.HCM tiếp tục làm việc với phần tranh luận giữa các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát. Luật sư Phan Trung Hoài – Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài phân tích các vấn đề mấu chốt, chứng minh không đủ căn cứ quy buộc bà Dương Thị Bạch Diệp phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, các cơ quan chức năng của TP.HCM không hề yêu cầu bà Diệp phải nộp bản chính Giấy chứng nhận 313 ngày 15/12/2008, cũng như không buộc bà Diệp phải “thông báo hoặc cung cấp thông tin về việc đã thế chấp nhà đất số 57 đường Cao Thắng”. Theo hồ sơ vụ án, nếu xác định Công ty Diệp Bạch Dương đã thế chấp 57 Cao Thắng và có đăng ký giao dịch đảm bảo với Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thì thông tin này là công khai từ ngày 31/12/2008 và từ 4/1/2011 hoàn toàn có thể kiểm tra.
Cơ quan phê duyệt việc hoán đổi nhà đất là UBND TP.HCM cùng với các Sở, Ban, Ngành giúp việc thực tế đã biết, và có nghĩa vụ phải nắm được việc thế chấp này. Mặt khác, không có căn cứ pháp luật và thực tế diễn biến quá trình hoán đổi về điều kiện tiên quyết là tài sản phải không cầm cố, thế chấp như lời khai của các bị can khác trong vụ án.
Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét nguyên nhân, bối cảnh xảy ra việc cho đến nay bà Diệp không hoàn thành việc trả giấy tờ pháp lý tài sản 57 Cao Thắng cho Nhà nước. Trong khi Nhà nước thực tế đã xác lập quyền sở hữu thông qua Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Đây là một sự kiện bất khả kháng, một rủi ro kinh doanh của Công ty Diệp Bạch Dương trong quan hệ với Agribank HCM do sự biến động quá lớn của thị trường bất động sản và thị trường vàng các năm từ 2008 – 2013, chứ không do ý chí chủ quan của bà Diệp.
Đặc biệt việc hoán đổi vàng - tiền dẫn đến khoản nợ gốc ban đầu của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank HCM tương đương khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã tăng vọt gần gấp 3, lên trên 2.900 tỷ đồng gốc và hàng ngàn tỷ lãi làm Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Trong suốt quá trình điều tra, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bà Diệp không hợp tác, khai báo gian dối là không thỏa đáng. Vì rõ ràng, cơ sở pháp lý buộc tội đối với bà Diệp không vững chắc. Đó cũng chính là một phần lý giải nguyên nhân sự bức xúc của bà Diệp tại phiên tòa những ngày qua.
Luật sư Phan Trung Hoài phân tích, nhà nước là một thiết chế bộ máy quyền lực, được tổ chức theo hệ thống với sự phân định về thẩm quyền, chức năng, cũng như trách nhiệm công vụ của mỗi cán bộ, viên chức Nhà nước được giao nhiệm vụ, không thể là chủ thể bị lừa đảo được. Quan hệ thế chấp tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương không làm mất đi tư cách sở hữu chủ. Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý, không tự sinh ra và mất đi.
Hiện nay, UBNDTP.HCM đã xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, chưa kể thực tế tài sản 57 Cao Thắng hiện nay Trung tâm vẫn đang quản lý và sử dụng hiệu quả từ nguồn tiền gần 30 tỷ đồng của Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp đầu tư. Do đó, cáo trạng cho rằng Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỷ đồng là hoàn toàn không có căn cứ.
Tách hành vi liên quan đến công nợ tồn đọng gây ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án
Đến thời điểm hiện nay, từ kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ công khai tại phiên tòa, có căn cứ để cho rằng các giao dịch tín dụng và thế chấp tài sản giữa Agribank HCM và Công ty Diệp Bạch Dương vào ngày 31/8/2008, kèm theo là các chứng từ Giấy lĩnh vàng, thông báo nhận nợ là “giả cách”. Các giao dịch không đúng sự thật, che dấu bản chất sự việc là Công ty Diệp Bạch Dương không nhận bất cứ lượng vàng nào mà Agribank giải ngân bằng tiền đồng Việt Nam cho Công ty DBD thanh toán các khoản nợ tại SeaBank.
Agribank nhận lại các tài sản mà cá nhân bà Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương đang thế chấp tại SeaBank. Nói cách khác, vụ án này không chỉ liên quan việc hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng mà còn liên quan việc hoán đổi công nợ của Công ty Diệp Bạch Dương và tài sản đảm bảo giữa Agribank và SeaBank, dẫn đến việc thiết lập hồ sơ tín dụng, hợp đồng thế chấp, chứng từ nhận vàng, báo nợ… đều không đúng bản chất sự thật.
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 17/11. |
Tuy nhiên, ngày 18/1/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C03-P15 để khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm, Công ty Diệp Bạch Dương, Agribank HCM và các cơ quan, đơn vị liên quan khác tại TP.HCM.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao, do việc tách hành vi “vi phạm quy định về cho vay” liên quan đến quan hệ công nợ còn tồn đọng giữa Công ty Diệp Bạch Dương và Agribank HCM chưa được xem xét trong vụ án này, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Đặc biệt là quá trình thế chấp tài sản 57 Cao Thắng có dấu hiệu Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp bị ép buộc, không phải là tài sản đảm bảo cho Hợp đồng tín dụng cụ thể.
Thực tế hiện nay, Agribank đang nắm giữ gần như toàn bộ tài sản có giá trị đặc biệt lớn của Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp. Quan hệ tín dụng nếu phát sinh tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự. Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp có nghĩa vụ phải thực hiện việc thanh toán các khoản nợ với Agribank.
Nếu các khoản nợ trở thành nợ xấu thì Agribank có quyền xử lý tài sản theo quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, đối với tài sản 57 Cao Thắng, Nhà nước đã xác lập và hoàn toàn có đầy đủ tư cách sở hữu chủ, giao cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM quản lý và sử dụng. Tài sản trên không phụ thuộc vào việc Công ty Diệp Bạch Dương đã giải chấp hay chưa.
Trong trường hợp này, tài sản 185 Hai Bà Trưng đã được hoán đổi và Công ty DBD đã và có quyền thế chấp cho tổ chức tín dụng khác để bảo đảm nợ vay. Từ những nhận định nêu trên, các luật sư đã đề nghị HĐXX thận trọng xem xét lại bản chất vụ án và hành vi của bà Dương Thị Bạch Diệp.