Vụ bắt cóc con tin xảy ra tại quán cà phê Lindt ở trung tâm thành phố Sydney (Australia) đến nay vẫn khiến dư luận Australia bàng hoàng. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tới nhiều khu vực trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng con tin tại quán cà phê Lindt ngày 15-12 đã kết thúc bằng cuộc đột kích giải cứu con tin của cảnh sát đặc nhiệm Australia sau hơn 16 giờ đối đầu căng thẳng với thủ phạm. Người quản lý tiệm cà phê Lindt Tori Johnson (34 tuổi) và nữ luật sư Karina Dawson (38 tuổi) đã thiệt mạng, bốn người khác bị thương. Kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân thành phố Sydney, được xác định là một giáo sĩ tự xưng gốc Iran Man Haron Monis, bị cảnh sát bắn hạ tại chỗ.
Man Haron Monis, tên thật là Manteghi Bourjerdi, 50 tuổi, tị nạn tại Australia từ năm 1996, là nhân vật không hề xa lạ với giới chức tư pháp và hành pháp ở Sydney. Năm 2009, y phải hầu tòa vì gửi thư xúc phạm gia đình các quân nhân Australia tử trận nhằm phản đối sự hiện diện của quân đội nước này tại Afghanistan. Y đang bị cáo buộc sát hại vợ cũ là bà Noleen Pal trong vụ án giết người gây chấn động dư luận Australia cuối năm 2013. Ngoài ra, y cũng đang phải đối mặt hơn 40 tội danh về tiến công và lạm dụng tình dục.
Thông tin điều tra ban đầu cho biết Monis không có mối quan hệ rõ ràng nào với các tổ chức khủng bố quốc tế. Đó là lý do khiến một số người coi hành vi bắt cóc con tin của y chỉ là một hành động bột phát nhằm thách thức nhà chức trách Australia. Nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng tay súng này có mối liên hệ với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và hành động bắt cóc của y là hành động khủng bố với chủ đích gieo rắc nỗi kinh hoàng. Vụ việc diễn ra chỉ vài tháng sau khi Chính phủ Australia triển khai các chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn và cam kết điều 600 binh sĩ tham gia lực lượng quốc tế chống IS tại Iraq và Syria.
|
Thủ phạm Man Haron Monis (Ảnh New York Daily News) |
Giáo sư Greg Barton thuộc Trường đại học Monash (Australia) cảnh báo: “Nhiều khả năng kẻ bắt cóc là thành viên của một mạng lưới khủng bố nước ngoài. Việc khống chế con tin đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước nhằm tạo tiếng vang có thể cho cá nhân y hoặc cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên thế giới”…
Thông qua nhiều trang mạng xã hội, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã phát tán thông điệp cổ xúy những hành động khủng bố nhằm reo rắc hận thù, kích động bạo lực ở giới trẻ trên khắp thế giới. Cũng như hàng trăm thanh niên mang quốc tịch Mỹ, Pháp, Bỉ, Đức… đang cầm súng chiến đấu dưới “ngọn cờ IS”, Monis cũng có thể chỉ là “nạn nhân” của hoạt động truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhằm phát động cái gọi là “cuộc thánh chiến toàn cầu” do những kẻ cầm đầu IS phát động.
Cũng như Chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, hiện mối lo ngại của Chính phủ Australia tập trung vào thanh, thiếu niên Hồi giáo bất đồng chính kiến sinh sống tại ngoại ô Sydney và các thành phố lớn. Trước đó, Cục Tình báo nội địa Australia (ASIO) nhiều lần cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc tiến công khủng bố ngay tại đất nước này. Theo thống kê của Telegraph (Anh), khoảng 90 thanh niên Australia đã tới Iraq, Syria để chiến đấu cùng IS và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác.
Cuộc khủng hoảng con tin, hay “vụ tiến công khủng bố” theo cách gọi của người dân Australia, gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tiến công bạo lực không chỉ tại Australia. Dù chưa rõ động cơ của vụ bắt cóc, nhưng những hình ảnh cho thấy một vài con tin bị Monis buộc giơ lên một lá cờ đen với những dòng chữ Hồi giáo tương tự IS khiến nhiều người lo ngại về tốc độ lan truyền của tư tưởng Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới.
Xem thêm:
1. Dự báo 5 điểm nóng chính trị trong năm 2015
2. Vụ IS bắt phi công Jordan: “Xin hãy đối đãi tốt với con trai tôi”
3. Thế giới lên án vụ khủng bố tấn công trường học tại Pakistan