Tự nguyện trả cả gốc lẫn lãi
Như đã đưa, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Cty Mobifone và một số đơn vị liên quan.
Qua kết luận, CQĐT đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh trên, trong đó bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Bị can Phạm Nhật Vũ - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ". Cụ thể, ông Vũ đã đại diện bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone.
Sau đó, ông Phạm Nhật Vũ đề nghị các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là người có chức vụ, quyền hạn giúp dự án sớm hoàn thành. Quá trình đàm phán, ông Vũ không hứa đưa tiền nhưng sau khi hoàn thành, bị can đã hối lộ cho 4 người trên.
Quá trình điều tra, Phạm Nhật Vũ được xác định thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone tiền đã nhận cả lãi và gốc góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước…
Vì vậy, CQĐT đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" phù hợp khi lượng hình với bị can Phạm Nhật Vũ.
Không có khái niệm "chính sách hình sự đặc biệt"
Được hỏi về thuật ngữ "chính sách hình sự đặc biệt" nêu trên, thẩm phán Trương Việt Toàn (Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội) khẳng định, luật hình sự nước Việt Nam không có khái niệm này.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, tòa án xét xử chỉ tuân theo pháp luật và pháp luật, hoàn toàn không có chính sách đặc biệt như cơ quan điều tra đề nghị trong kết luận. Khi xét xử, nếu bị cáo có tội, tòa án sẽ chỉ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể trong luật để ra hình phạt.
Tương tự, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cho biết: “Không có câu từ, ngôn ngữ pháp lý nào thể hiện chính sách hình sự đặc biệt”. Trên thực tế, Bộ luật Hình sự chỉ có những điều khoản rải rác thể hiện nội dung giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mức rất cao cho người phạm tội.
Luật sư Giang Hồng Thanh nêu ví dụ, như tại Điều 40 Bộ luật hình sự quy định Nhà nước không thi hành án tử hình đối với người sau khi bị kết án về tội tham ô, nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản phạm tội. Đây có thể coi là chính sách giảm nhẹ đặc biệt đối với người phạm tội về các tội danh tham nhũng khi họ có ý thức khắc phục tối đa hậu quả.
Ông Giang Hồng Thanh nói thêm: “Hoặc đối với các tội danh liên quan đến chiếm đoạt, chiếm hưởng trái phép tài sản, nếu người phạm tội nộp lại phần lớn tài sản thu bất chính cũng được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mức rất cao. Quan điểm xử lý này phù hợp với quy định tại Điều 3 Bộ luật hình sự về “Nguyên tắc xử lý” là khoan hồng đối với người lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…”.
Đánh giá sự việc, luật sư Thanh nêu quan điểm: “Được biết, trong vụ án AVG, tài sản Nhà nước bị thất thoát đã được thu hồi toàn bộ, cả phần lãi trên số tiền thất thoát. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Nếu như ông Phạm Nhật Vũ không tự nguyện trả lại số tiền này, Nhà nước sẽ mất hàng ngàn tỷ và không biết bao giờ mới có thể thu hồi được”.
Vì vậy, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, đề nghị của CQĐT về việc áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” đối với ông Phạm Nhật Vũ là quan điểm nhân đạo, khoan hồng dựa trên những hành động, việc làm, thái độ tích cực của ông Vũ trong quá trình xác minh, điều tra vụ án.
“Trên quan điểm cá nhân, tôi tin rằng đề nghị của cơ quan điều tra sẽ được các cơ quan tố tụng khác như viện kiểm sát, tòa án xem xét và chấp nhận” – ông Thanh nói.