Chiều qua (4.12), TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người liên quan trong vụ án thất thoát 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Đáng chú ý, gia đình Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") đã đến Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nộp 30,195 tỷ đồng. Nội dung nộp là khắc phục hậu quả theo yêu cầu thu ngày hôm nay 4.12.2018 của TAND TP.HCM.
Trước đó, họ đã nộp 173 tỷ đồng trong tổng số 203 tỷ Vũ bị cáo buộc chiếm đoạt của DAB. Như vậy, Vũ "nhôm" đã nộp khắc phục hậu quả xong khoản tiền mà bị cáo này bị cáo buộc đã chiếm đoạt của DAB.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Vũ “nhôm” bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội danh này có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Theo vị luật sư này, theo điểm b, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc các bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Đây là một tình tiết rất có lợi cho các bị cáo trong quá trình xét xử cũng như tác động đến Hội đồng xét xử theo hướng giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
Còn theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đối với án kinh tế, tham nhũng, người vi phạm khắc phục được 1/3 số tài sản thiệt hại do mình gây ra mà có chứng minh rằng họ cũng đã làm hết khả năng, khi ra tòa HĐXX sẽ lấy đó làm căn cứ để giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.
“Như vậy có nghĩa rằng, việc Vũ “nhôm” nhờ gia đình khắc phục hơn 200 tỉ đồng được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng xét xử”, luật sư Hòe thông tin.
Trước đó, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) cùng 25 bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 3.600 tỷ đồng.
Trong đó, Vũ "nhôm", Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty CP lương thực Nam Định) bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Hai bị can Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT DAB) cùng bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ba bị can Nguyễn Thị Cúc (nguyên Trưởng ban kiểm soát DAB), Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn (cùng là thành viên chuyên trách Ban kiểm soát DAB) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
19 bị can còn lại bị truy tố về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, bị can Trần Phương Bình là người lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, đầu tư tại DAB trái quy định, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 203 tỷ đồng.