Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, chuyên gia của WHO, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cho rằng điều này có thể xảy ra khi sự hòa nhập, giao thiệp của người dân gia tăng và khi các nguồn bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh cúm xuất hiện vào mùa Xuân.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuần trước đã ghi nhận hơn 15 triệu ca mắc COVID-19 mới trên khắp thế giới. Đây cũng là con số lớn nhất được ghi nhận chỉ trong một tuần. Điều này xảy ra là do “biến thế Omicron nhanh chóng thế chỗ biến thể Delta ở hầu hết tất cả các nước”.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 được thống kê theo tuần vẫn duy trì ở mức ổn định kể từ tháng 10 năm ngoái với mức trung bình 48.000 ca. Số bệnh nhân nhập viện đang gia tăng ở hầu hết các nước, song không ở mức độ từng chứng kiến trong các đợt bùng phát trước. Ông Ghebreyesus cho rằng điều này xảy ra có thể là do tính chất nghiêm trọng của Omicron đã giảm và sự miễn dịch được nhân rộng nhờ việc tiêm vaccine.
Người đứng đầu WHO lưu ý rằng trong khi biến thể Omicron gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta song nó vẫn là một virus nguy hiểm, đặc biệt là đối với những ai chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. WHO đã nhiều lần cảnh báo về việc số ca lây nhiễm tăng vọt đang gây khó khăn cho các hệ thống y tế.
Ngoài ra, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cũng cảnh báo về khả năng bùng phát dịch trong tương lai liên quan đến những trường hợp chưa tiêm vaccine và không được phòng vệ đầy đủ. Theo chuyên gia này, các ca bệnh nặng và tử vong có thể giảm bớt nhờ tiêm vaccine cũng như việc cải thiện công tác điều trị.