Vụ đầu độc Sergel Skripal làm bùng phát căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây, đặc biệt là Anh. Hàng loạt biện pháp trả đũa ngoại giao giữa đôi bên bùng phát trong những ngày qua, Hoàng gia Anh tuyên bố không cử bất cứ thành viên nào tham dự World Cup 2018 tại Nga.
Một loạt quốc gia khác như Iceland, Ba Lan,Thụy Điển, Australia, Đan Mạch và Nhật Bản phát ra tuyên bố tương tự. Trước đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson càng gây thêm sóng gió ngoại giao khi ví cách nước Nga tổ chức World Cup 2018 như Adolf Hitler từng làm ở Thế vận hội 1936 tại Đức.
Từ sau Thế chiến 2, mối quan hệ giữa Liên Xô (sau này là Nga) cùng các nước phương Tây chưa bao giờ êm đẹp. Căng thẳng chính trị kéo theo cả những chia rẽ trong bóng đá, mà tiêu biểu là sự phân cách bóng đá bởi bức tường Berlin ở phía Đông và Tây.
World Cup 2018 tại Nga trong vòng xoáy chính trị
Những căng thẳng ngoại giao gần đây chỉ tiếp tục đẩy tranh cãi giữa hai phía lên cao trước thềm World Cup 2018. Trước đó, những tranh cãi đã xảy ra khiến không ít lần phương Tây dọa sẽ "tẩy chay" World Cup 2018. Vụ việc của Sergel Skripal như giọt nước làm tràn ly, lần này thì phương Tây quyết "tẩy chay" thật, ít nhất về mặt chính trị.
Vladimir Putin được đánh giá không phải vị nguyên thủ yêu bóng đá, thế nên World Cup 2018 đăng cai ở Nga được giới truyền thông đánh giá vì mục đích chính trị. Nước Nga muốn tăng cường tầm ảnh hưởng lớn hơn về mặt truyền thông, cũng như đạt được một số mục đích chính trị, cải thiện hình ảnh trong con mắt thế giới bởi truyền thông phương Tây những năm gần đây xây dựng hình ảnh "hiếu chiến" cho chính quyền dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
World Cup 2018 tại Nga được đánh giá nhằm mục đích chính trị của TT Vladimir Putin. |
Sự việc Sergel Skripal được đánh giá sẽ phá hỏng nỗ lực của Nga tại World Cup 2018, ít nhất về mặt chính trị và truyền thông. Việc một loạt quốc gia không cử đại diện chính quyền đến dự World Cup 2018 khiến ngày hội bóng đá được tổ chức tại Nga có phần "xuống giá". Chưa kể đến việc các quốc gia phương Tây cảnh báo cư dân nước mình không nên đến Nga hè này để đảm bảo an toàn.
Thuyết âm mưu về việc Anh đầu độc điệp viên Skripal, sau đó liên tiếp cùng các đồng minh phương Tây ra đòn ngoại giao để "phá" World Cup 2018 dần xuất hiện trên các diễn đàn. Dù nhiều hay ít, World Cup 2018 đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây.
World Cup 2018 tại Nga - Mối đe dọa an ninh
Cảnh báo an ninh của các quốc gia phương Tây không phải vô lý. Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS không dưới một lần gửi thông điệp cảnh báo sẽ thực hiện những vụ tấn công tại World Cup 2018. Thậm chí, Lionel Messi không dưới một lần bị IS "điểm mặt" với những hình ảnh đe dọa cầm tù hay hành quyết.
Hình ảnh của Messi bị IS dùng để đe dọa World Cup 2018 tại Nga. |
Một vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém là các nhóm Ultras cực đoan của Nga. Tại Euro 2016, đám cổ động viên quá khích của Nga đã quậy tưng tại Pháp. Đối tượng mà các nhóm quá khích Nga hướng đến là các holigan Anh từng nổi tiếng hung hãn với những câu chế giễu đại loại như "chúng béo như lợn" hay "quá già và chỉ biết say mèm".
Cay cú vì thua thiệt ở Euro 2016, nhiều holigan quá khích của Anh đang rủ nhau trên các diễn đàn đến Nga hè này để "trả đũa". Còn đám Ultras Nga tuyên bố sẽ yên phận trên sân nhà, miễn là các cổ động viên đối phương không động đến họ. Nhưng với "truyền thống" thù địch giữa Nga và các nước phương Tây, không điều gì là chắc chắn.
Đó là chưa kể đến nạn phân biệt chủng tộc vốn xuất hiện không ít tại bóng đá Nga, mà điển hình là vụ việc Paul Pobga trong trận giao hữu với Pháp thời gian gần đây. Thời gian World Cup 2018 khởi tranh đang đến rất gần nhưng nước Nga đang bộn bề trước rất nhiều thách thức.
Theo Bóng đá 24h