Sau khi thoả thuận với người phụ nữ tên Trang, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ. Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.
Đến ngày 8/10, Đại và Thám lái xe tải trên đi đổ thải ở Hoà Bình, tuy nhiên, do trên đường bị hỏng xe nên Đại gọi điện cho Vũ đến. Chính vì vậy, Vũ đã lái xe ô tô BKS 89A-13766 đến nơi xe hỏng.
Chiếc xe vận chuyển chất thải được các đối tượng sử dụng để gây án. |
Sau đó, 3 đối tượng mang xe tải đi sửa rồi chở đến khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Ngày 17/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.
Sau khi biết Đại và Thám bị bắt, Lý Đình Vũ đã bỏ trốn. Với quyết tâm nhanh chóng bắt bằng được đối tượng, lãnh đạo Bộ Công an đã giao trách nhiệm chính cho Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an Hoà Bình và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an truy bắt.
Hơn 2 ngày lần theo dấu vết của đối tượng từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đến ngày 20/10, lực lượng chức năng đã xác định Lý Đình Vũ đang trốn ở Hải Phòng nên đã vận động ra đầu thú để hưởng khoan hồng.
Ngày 20/10, biết không thể trốn tránh được nữa, Lý Đình Vũ đã đến Công an Bắc Ninh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội, theo nguồn tin từ báo Công an Nhân dân.
Trụ sở Công ty CP gốm, sứ Thanh Hà - nguồn gốc số dầu thải. Ảnh: Infonet |
Trao đổi với báo Infonet, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm, sứ Thanh Hà xác nhận, dầu thải mà các đối tượng đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà là của công ty mình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Truyền cho hay: "Tôi không hề biết chuyện này, chỉ đến khi xem ti vi tôi mới biết sự việc. Ngay sau đó, tôi lập tức gọi điện cho bảo vệ công ty thì được xác nhận đúng là có vụ việc như vậy. Bảo vệ công ty có trao đổi lại với tôi, có 1 xe ô tô tải đi vào công ty và thủ kho đã xuất dầu thải vào các thùng nhựa cho các đối tượng trên, rồi cho xe đó ra khỏi công ty và không có ai ký lệnh xuất dầu thải, thủ kho cũng không báo cáo tôi sự việc trên.".
"Dầu ở đây là loại dầu thải từ máy ép và dầu nhờn thải từ máy ra. Một năm sẽ có khoảng hơn 200 lít dầu thải từ máy ép ra. Cứ tính chu kỳ như 6 tháng phải thay dầu thải 1 lần. Chúng tôi phải tích trữ vào 2 cái téc dầu, đặt nổi trên nhà máy và chờ Công ty Môi trường Xanh đến chở đi xử lý chất thải, vì công ty đã ký hợp đồng xử lý dầu thải này với Công ty Môi trường Xanh.
Tuy nhiên, Công ty Môi trường Xanh yêu cầu, lượng dầu thải tầm khoảng 15-20 khối mới đến chở đi, vì từng đó mới đủ một xe vào chở. Hồi trước, cách đây mấy năm người dân địa phương có xin dầu thải của công ty để về diệt chuột.”, ông Truyền nói.
“Theo như tôi đoán, sau khi lấy được dầu, nhóm này đã mang về Hưng Yên dùng nhiệt để tái chế, nhiều khả năng định lấy sử dụng lại dầu nhớt. Trước đây tôi được biết giá để xử lý chất dầu thải này là khoảng 3,5triệu đồng/khối, sau khi xử lý xong, nước có thể tưới cây được, nhưng theo tôi đoán họ kẹt hoặc tiếc tiền nên không xử lý mà đem xả trộm ở Hòa Bình.
Quan điểm của tôi là không bao giờ ủng hộ, bao che cho các hành động phá hoại môi trường. Từ khi sự việc xảy ra đến bây giờ, mặc dù tôi không ở công ty, nhưng tôi cũng đã yêu cầu tất cả nhân viên của công ty, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc".