12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải

Trẻ con thường rất ngây thơ, chúng có thể bắt chước rất nhanh các hành động cũng như lời nói của bố mẹ. Vì vậy, bậc làm cha làm mẹ nên nhận thức chính xác điều mình đang làm, khắc phục thói quen xấu của mình để không gây hại cho con.
12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải

* Đặt câu hỏi khi yêu cầu trẻ thực hiện một công việc

Cha mẹ thường có thói quen đặt câu hỏi khi yêu cầu trẻ làm một việc gì đó. Ví dụ như "Con có thể lấy giúp mẹ gói bột ngọt được không?", "Con có thể tự dọn đồ chơi vào được không?" hoặc "Mình sẽ đi chơi, con tự đi dép vào nhé, được không con?"... Khi cha mẹ đặt những câu hỏi như vậy, con hiểu rằng mình có quyền lựa chọn có làm hoặc không làm. Và thường con sẽ không chịu làm. Lúc này, mẹ lặp lại yêu cầu và trẻ tiếp tục không thực hiện yêu cầu dẫn đến sự tức giận và cả hai mẹ con đều không vui.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 1

Cha mẹ nên giành quyền kiểm soát về phía mình khi yêu cầu trẻ làm một việc

Trong trường hợp này, mẹ có thể chuyển đổi câu hỏi bằng cách yêu cầu trẻ và kết thúc bằng một dấu chấm câu để giành quyền kiểm soát về phía mình. Chẳng hạn như: "Con dọn đồ chơi vào đi", "Con lấy giúp mẹ gói bột ngọt nào"...

* Chuyên dùng quà để hối lộ con

Đây là một thói quen xấu khi nuôi dạy con mà nhiều mẹ đang mắc phải, hễ thấy con không chịu ăn, không chịu nghe lời là lập tức mang các “món ngon” ra để dụ dỗ lôi kéo trẻ. Cách này sẽ có hiệu quả ngay tức thời, làm cả mẹ và bé hài lòng. Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng phần thưởng sẽ không có tác dụng tích cực nếu con cố gắng làm mọi thứ chỉ để bố mẹ hài lòng và có được món quà con thích thú.

Hơn nữa, việc dùng dùng “mồi nhử” với con không những không giúp trẻ trở nên tự tin hơn mà đang biến trẻ thành người luôn mè nheo và yêu sách ngày càng tăng thêm. Bên cạnh đó, những câu nói đơn giản chỉ để cho qua chuyện của mẹ trở thành lời hứa suông lại khiến trẻ mất dần niềm tin ở mẹ.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 2

Dùng quà làm "mồi nhử" sẽ biến trẻ thành người luôn mè nheo

Mỗi người mẹ cần phải ghi nhớ, không được phép dạy trẻ về những điều thực dụng như vậy, hãy luôn hướng trẻ đến những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

* Dễ nổi nóng và gào thét mỗi khi có chuyện

Nhiều cha mẹ thường có phản ứng thái quá như nhăn mặt, nổi nóng, càu nhàu, gào thét mỗi khi gặp phải những tình huống khó khăn, không hài lòng hoặc không vừa ý trong cuộc sống, dù đó chỉ là những chuyện rất bình thường.

Đơn cử như tình huống tắc đường hàng ngày khi đưa trẻ đến trường rồi đi làm, bố mẹ có thể liên tục càu nhàu trong suốt quãng đường đi những câu đại loại như: "Ngày nào cũng tắc đường, bực bội", "Chết rồi, mình sẽ muộn làm mất", "Làm sao kịp thời gian phô to cuốn tài liệu cho cuộc họp, ôi điên mất thôi"... Những câu nói mà cha mẹ tưởng chừng như vô hại này lại được con trẻ lưu giữ trong bộ nhớ và học theo rất nhanh. Lần sau, nếu trẻ cũng gặp phải tình huống tương tự như vậy, trẻ cũng sẽ có phản ứng gay gắt như cha mẹ chúng đã từng thể hiện.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 3

Trẻ sẽ dễ học theo khi hàng ngày thấy cha mẹ nổi nóng, gào thét mỗi khi gặp khó khăn

Vậy nên, thay vì liên tục càu nhàu khó chịu, cha mẹ có thể chủ động cho trẻ đi học sớm hơn một chút để chắc chắn rằng mình có thể kiểm soát những tình huống bất ngờ xảy ra trên đường đi như hỏng xe, tắc đường, quên đồ...

Các bậc làm cha mẹ hãy thử tưởng tượng xem, nếu sau này trẻ lớn lên, phải đối mặt với khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, liệu trẻ có thể vượt qua được hay không khi hàng ngày đều phải chứng kiến cha mẹ mình càu nhàu, gào thét với những điều đơn giản nhất như vậy. Cha mẹ hãy dạy con tìm ra cách giải quyết từng vấn đề khác nhau chứ đừng "dạy" con cách phản ứng thái quá với mọi chuyện.

* Quá coi trọng vật chất

Khi đi mua đồ cùng con để làm quà biếu, quà tặng, cha mẹ thường chú trọng tới hình thức bên ngoài và giá trị món quà hơn là ý nghĩa gửi tặng của món quà. Điều này sẽ vô tình "dạy" trẻ quý trọng giá trị vật chất hơn là coi trọng ý nghĩa tinh thần của những món quà gửi tới người nhận hoặc từ một người gửi tới trẻ.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 4

Khi mua quà tặng luôn coi trọng giá trị món quà và hình thức bên ngoài hơn ý nghĩa sẽ vô tình dạy trẻ quý trọng vật chất hơn ý nghĩa tinh thần.

* Hay chỉ trích trẻ

Nếu lúc nào cha mẹ cũng chỉ biết chỉ trích trẻ về những điều trẻ làm sai mà không nhìn vào những điều tích cực trẻ đã làm được sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ví dụ như khi xem điểm kiểm tra từng môn học của trẻ, cha mẹ lướt qua rất nhanh những môn được điểm 9, điểm 10 và bắt đầu dừng lại, chỉ trích trẻ khi thấy có môn trẻ được điểm 7, bắt trẻ giải thích " Có chuyện gì với môn này?", "điều gì đã xảy ra với con khi làm bài kiểm tra môn này?", "Tại sao lại là 7 mà không phải là 9?"...

Tất cả những điều trên sẽ khiến trẻ nghĩ, lúc nào trẻ cũng làm những điều không tốt, làm cha mẹ không vừa ý. Và trẻ bắt đầu cảm thấy sợ hãi, lạc lõng, cảm thấy cha mẹ có thể bỏ rơi mình bất cứ lúc nào.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 5

Chỉ trích trẻ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách của con sau này.

Với cách tạo ra cảm giác này cho trẻ, không những không giúp trẻ tốt hơn mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách của con sau này. Khi lớn lên, trẻ cũng chỉ nhìn thấy những sai lầm của người khác khi đánh giá về họ.

Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý hơn đến những điều tốt mà trẻ làm được. Hãy nhìn vào những điểm 9, điểm 10 trong các bài kiểm tra, nhìn vào các hành động tốt của trẻ và đưa ra những lời khích lệ, động viên trẻ để trẻ có động lực phấn đấu tiếp. Còn với những việc trẻ chưa làm được hoặc làm sai, hãy tìm phương pháp để giúp trẻ cải thiện và chờ đợi kết quả lần sau của trẻ nhé.

* Luôn bênh vực con bất kể đúng sai

Con cái luôn là tài sản quý giá mà mẹ nào cũng muốn nâng niu và đùm bọc. Tuy nhiên, đôi khi chính sự che chở quá đà của cha mẹ khiến trẻ hình thành nên những thói hư tật xấu. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn mù quáng đứng ra bênh vực và chịu mọi trách nhiệm thay con. Đây không phải là một hành động cao thượng của người mẹ mà là cách nghĩ sai lầm đẩy con mình vào con đường đen tối.

Nhiều khi lỗi rõ ràng thuộc về trẻ, nhưng mẹ vẫn ra sức bênh vực và lấp liếm đi cái sai của con. Chẳng hạn như khi biết trẻ đánh bạn là sai nhưng mẹ không chịu thừa nhận, cứ phải “không có lửa làm sao có khói”. Việc bao bọc con một cách không biết đúng sai sẽ khiến trẻ làm sai mà không biết nhận lỗi. Việc này dễ gây cho con nhầm tưởng rằng “con là trung tâm của vũ trụ”.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 6

Luôn bênh vực con bất kể đúng sai là đẩy con vào con đường đen tối

Ngay từ bé, mẹ “giúp” trẻ nghĩ rằng mình không làm sai điều gì. Khi lớn lên trẻ cũng cứ theo những gì trẻ được “dạy”. Nếu cha mẹ không dám chỉ ra cái sai của trẻ, thì chính mẹ là người đẩy trẻ vào con đường sa ngã.

Nếu muốn trẻ trở thành một người có ích cho xã hội, mẹ hãy là một người sáng suốt, biết phân biệt phải trái và quan trọng biết dạy con theo một tư tưởng tốt đẹp.

* Bỏ qua lỗi của bản thân

Nếu cha mẹ mắc lỗi hoặc hành xử một cách tiêu cực khi có trẻ ở bên cạnh, trẻ sẽ rất chú ý và chờ đợi hành động của cha mẹ. Lúc này, cha mẹ đừng phớt lờ mà hãy nghiêm túc nhận lỗi với trẻ và đề nghị trẻ tham gia giúp bạn từ bỏ thói quen xấu.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 7

Cha mẹ nghiêm khắc nhận lỗi khi sai là cách hay để dạy con

Đây cũng là một cách để cha mẹ rèn luyện cho con suy nghĩ cần phải biết nhận lỗi, sửa đổi và giúp đỡ người khác khi trẻ lớn lên. Đồng thời, các nghiên cứu cho thấy, gia đình sẽ bền chặt hơn nếu các thành viên giúp đỡ nhau để cùng có lối sống lành mạnh.

* Không chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với trẻ

Đối với một số cha mẹ, dù gặp bất cứ vấn đề hay khó khăn gì cũng tuyệt đối không nói với trẻ, không bao giờ tỏ ra buồn bã hay khóc trước mặt trẻ vì họ luôn muốn cho trẻ thấy cuộc sống chỉ toàn màu hồng. Ngay cả khi trẻ có thể cảm nhận được cha mẹ mình đang gặp chuyện buồn, cha mẹ cũng chỉ nói với trẻ: "Không sao đâu con, mọi chuyện đều ổn".

Thực tế, sự lạc quan về mọi chuyện không phải là xấu nhưng nếu cha mẹ cố tình che giấu sự thật và cảm xúc với trẻ sẽ mang lại những ảnh hưởng không tốt với trẻ. Lâu dần trẻ sẽ có suy nghĩ cha mẹ không tin tưởng mình, mình không đáng được biết sự thật. Nếu cha mẹ che giấu cảm xúc với con thì khi lớn lên, bé cũng sẽ không chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với cha mẹ. Như vậy, vô tình cha mẹ đã làm sợi dây kết nối tình cảm gia đình bị cắt đứt.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 8

Hãy tâm sự với con, con thơ sẽ an ủi bạn, làm bạn vui

Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ cần nghĩ thoáng hơn, hãy tâm sự một số vấn đề với con, mẹ có thể khóc với con khi mẹ buồn. Dù con không đủ lớn để hiểu hết mọi chuyện mà mẹ kể nhưng bằng cách nào đó của trẻ thơ, con sẽ an ủi mẹ, làm mẹ vui. Điều này không chỉ là nguồn động lực đặc biệt để mẹ vượt qua mọi chuyện mà còn giúp tình cảm gia đình gắn bó hơn.

* Cha mẹ trách móc nhau

Khi gia đình có chuyện, thay vì tìm hiểu nguyên nhân và cùng nhau giải quyết thì vợ chồng lại quay ra chỉ trích trách móc nhau ai đúng ai sai. Sẽ thật không hay nếu chuyện này liên tiếp được diễn ra dưới sự chứng kiến của trẻ. Trẻ sẽ vô tình hiểu rằng tranh cãi là cách tốt nhất để giải quyết mọi chuyện và sẽ căn cứ vào hành vi của bố mẹ để học theo.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 9

Cha mẹ trách móc nhau sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ

* Thường xuyên khen ngợi con quá mức

Khen ngợi con là một điều tốt để con có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, những lời khen có cánh được sử dụng quá mức sẽ vô tình khiến trẻ huyễn hoặc về bản thân và tự đề cao mình hơn người khác. Ví như "không có ai giỏi bằng con của mẹ", "Con của mẹ là giỏi nhất, tốt nhất"... Cha mẹ nên sử dụng lời khen ngợi đúng lúc với mức độ vừa phải để kích thích sự phát triển, sáng tạo của con thay vì đưa con "lên 9 tầng mây" mỗi ngày.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 10

Khen ngợi con quá mức sẽ vô tình làm hại con

* Nuông chiều bé quá nhiều

Làm cha làm mẹ, ai cũng đều yêu con mình nhưng đối với nhiều người, tình yêu con cái thể hiện bằng cách cho trẻ càng nhiều thứ càng tốt, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ như mua cho trẻ thật nhiều đồ chơi, cho trẻ chơi game suốt ngày… Thậm chí, một vài người còn nghĩ rằng việc từ chối một đòi hỏi nào cũng sẽ làm trẻ tổn thương và biến họ thành kẻ thù của trẻ.

Thực tế, việc cha mẹ liên tục đáp ứng những đòi hỏi của trẻ không phải là cách thể hiện tình yêu của cha mẹ với trẻ. Trái lại, đây lại là cách khiến trẻ có những thói quen không tốt, trẻ sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, đặc biệt là về tiền bạc… Và việc liên tục chạy theo những yêu cầu vô lý của trẻ có thể làm bạn thiếu hụt ngân sách chi tiêu trong gia đình, phải cắt giảm một số chi tiêu trong khi trẻ lại thiếu đi hẳn khái niệm về tiền bạc.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 11

Chiều con quá mức là làm "hỏng" con

Trong trường hợp này, bạn nên đưa ra những giới hạn cho những yêu cầu của bé. Thay vì mua cho bé bất cứ thứ gì bé đòi như trước đây, bạn có thể thử giới hạn những thứ bạn mua cho bé như chỉ mua những thứ nhất định hoặc mua trong những thời gian nhất định.

* Đóng vai trò “cái bóng” trong cuộc sống của trẻ

Sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ trong cuộc sống hiện nay là quá chú tâm vào công việc của mình mà bỏ qua con cái. Có thể trong suy nghĩ của bạn, việc kiếm tiền để lo cho con một cuộc sống đầy đủ quan trọng hơn nhiều so với việc đọc truyện mỗi tối hãy ôm con trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, khi còn nhỏ, trẻ em rất cần tình yêu thương của ba mẹ.

Nhiều cha mẹ bận rộn công việc nên giao phó con mình hoàn toàn cho giúp việc, ông ngoại, ông nội hay bà nội, bà ngoại. Mọi chuyện của trẻ đã có người giúp việc hoặc người thân lo nên các mẹ có thể chú tâm hơn vào công việc mà không bị phân tán. Đó là lí do vì sao đôi khi chính đứa con mình sinh ra nhưng chúng lại thân thiết với người thân hoặc người giúp việc hơn là chính cha mẹ đẻ của mình.

12 thói quen xấu làm 'hỏng' con cha mẹ Việt dễ mắc phải - anh 12

Giao phó con cho người giúp việc là sai lầm lớn nhất của cha mẹ

Hơn nữa, việc quá lệ thuộc vào người giúp việc hoặc người thân sẽ ngày càng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con bị nới rộng. Có rất nhiều trường hợp, do thiếu sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ nên trẻ gặp phải vấn đề tâm lý dẫn đến những hành vi tiêu cực. Vậy nên, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định quan tâm đến trẻ. Điều này sẽ làm tăng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, giúp trẻ phát triển tài năng của bản thân và hạn chế những suy nghĩ cũng như hành vi tiêu cực.

Lê Qúy (t/h)

>>> Xem thêm:

- Thực đơn ăn dặm đủ chất dinh dưỡng cho trẻ từ 5-12 tháng tuổi

- Virus từ muỗi đáng sợ hơn Ebola có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam

- 5 thực phẩm mẹ không nên cho bé ăn trước giờ đi ngủ

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.