Bò rừng bison từng là một phần quan trọng của hệ sinh thái Romania, nhưng đã biến mất khỏi quốc gia này hơn hai thế kỷ trước. Nhờ nỗ lực của Tổ chức Tái hoang dã châu Âu và Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Romania, loài động vật hoang dã này đã được đưa trở lại vùng núi phía nam Carpathian vào năm 2014.
Hơn 100 con bò rừng đã được thả về tự nhiên tại vùng núi Țarcu, và số lượng hiện nay đã tăng lên hơn 170 con, tạo thành một trong những quần thể di chuyển tự do lớn nhất châu Âu. Nơi đây có tiềm năng nuôi dưỡng khoảng 350 đến 450 cá thể, góp phần vào sự đa dạng sinh học và phát triển bền vững của khu vực.
Đàn bò rừng bison là một trong những quần thể di chuyển tự do lớn nhất châu Âu. Ảnh: Daniel Mirlea/WWF Romania |
Theo nghiên cứu, mỗi năm, đàn bò rừng bison có thể hấp thụ tới 54.000 tấn CO2. Con số này cao gấp 9,8 lần so với khu vực không có sự hiện diện của chúng. Lượng carbon khổng lồ này tương đương với lượng khí thải hàng năm của 43.000 xe ô tô chạy xăng ở Mỹ.
Giáo sư Oswald Schmitz, tác giả chính của nghiên cứu cho biết bò rừng bison tác động đến đồng cỏ và rừng bằng cách chăn thả, tái chế chất dinh dưỡng, phân tán hạt giống và nén chặt đất. Chúng đã tiến hóa cùng hệ sinh thái trong hàng triệu năm và đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2, việc tái thả chúng có thể giúp khôi phục sự cân bằng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.