Hội nghị quy tụ gần 200 bác sĩ tham dự với sự góp mặt của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đến từ các bệnh viện, đại học y dược hàng đầu Việt Nam cũng như trên thế giới như Viện Tim Phổi Quốc gia Anh Quốc, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Adelaide - Australia... có chung mối quan tâm về áp dụng sinh học tế bào trong điều trị bệnh phổi.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM, giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, ở nước ta mỗi năm có 25 ngàn ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) gây ra, nhiều hơn số lượng người tử vong do tai nạn giao thông.
Đây là bệnh có nguy cơ tử vong cao sau bệnh tim mạch vành và đột quỵ. Bệnh nhân mắc bệnh COPD thường có các triệu chứng như khó thở, thở nặng. Do đó người bệnh cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời. Ngoài ra cần phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các tổ chức, cơ sở y tế về bệnh COPD là điều cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo thông tin từ Bộ Y tế năm 2018, ung thư phổi hiện đang là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam (chiếm 21,5%), đề ra những yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu và phát minh những liệu pháp điều trị mới cho bệnh phổi, trong đó có nhu cầu về nghiên cứu công nghệ sinh học tế bào. Sự phát triển của công nghệ sinh học tế bào đã đem lại những thông tin hữu ích giúp đáp ứng điều trị, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
GS.TS. Peter Barnes (Anh), chuyên gia về cơ chế và điều trị hen suyễn cũng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cùng các chuyên gia, bác sĩ Việt Nam đã thảo luận về thực trạng chung về bệnh phổi tại Việt Nam, các liệu pháp chữa trị tiên tiến. Trong bối cảnh cứ 100 bệnh nhân nhập viện do các bệnh về đường hô hấp thì có 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm phổi (theo nghiên cứu tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai), các chủ đề được thảo luận sẽ là tiền đề vững chắc để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, đáp ứng nhu cầu điều trị tại Việt Nam.
Ngoài ra, các phiên thảo luận còn bàn về các liệu pháp chữa trị bệnh phổi tiên tiến, bổ sung các báo cáo về những trường hợp không phổ biến còn tồn tại, giúp mang lại cái nhìn toàn cảnh về thực trạng bệnh phổi cũng như các liệu pháp áp dụng sinh học tế bào trong điều trị bệnh phổi.
Một điểm đặc biệt của Hội nghị chuyên đề lần này là các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường như hạn chế sử dụng giấy in, đồ nhựa; các ứng dụng sản phẩm hầu hết có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và đẩy mạnh tuyên truyền không hút thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về các nguy cơ mắc bệnh phổi do hút thuốc lá.