Cho đến nay, không thể không thừa nhận thực tế là có áp lực rất lớn từ các kỳ thi đối với đa số học sinh, sinh viên. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như sợ học, rối loạn lo âu... Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 40% số học sinh sinh viên bị ảnh hưởng bởi rối loạn lo âu do thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi quan trọng.
Áp lực từ các kỳ thi
Những kỳ thi căng thẳng thường dẫn đến áp lực và lo lắng. Các triệu chứng thể chất như đau bụng, buồn nôn, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi quá mức và nhức đầu nặng là rất phổ biến, cũng như các triệu chứng về nhận thức và tình cảm như thiếu tập trung, không có khả năng tổ chức, lo âu, sợ thất bại và mất lòng tự trọng là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu không được điều chỉnh đúng cách, chúng sẽ dẫn đến tâm trạng buồn bã, giận dữ, trầm cảm, lo âu và các cơn hoảng loạn.
Do tâm lý căng thẳng, lo lắng, nhiều học sinh, sinh viên bị suy nhược về cơ thể, biểu hiện ban đầu có thể là choáng váng, đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, không thiết tha ăn uống, không vệ sinh tắm rửa, những trường hợp nặng hơn thì thường sợ hãi, khóc lóc, hoang tưởng…, thậm chí còn tự tử. Sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè vô hình đã trở thành áp lực đối với các em. Nhiều năm gần đây, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng đều có khoảng 2-3 vụ học sinh tự tử vì trượt đại học. Bên cạnh đó, con số các bệnh nhân đến khám tâm thần vì sốc, hay trầm cảm do trượt đại học cũng tăng đáng kể. Những vụ học sinh tự tử chỉ vì bị mắng do không chuyên tâm học hành, mải chơi, thi không đạt được kết quả như mong đợi…
Trước và sau kỳ thi THPT rất nhiều bệnh nhân tâm thần là các em học sinh đến khám và điều trị bệnh về tâm thần do gặp phải áp lực thi cử, chủ yếu là các em nữ, vì các em vốn có tinh thần, thể chất nhạy cảm, yếu đuối hơn các em nam.
Muốn phát hiện ra bệnh sớm thì gia đình thường phải có một thời gian dài quan sát con em mình, thông qua các biểu hiện ban đầu. Nếu thấy có nhiều triệu chứng bất thường thì cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để có những chẩn đoán, từ đó can thiệp, điều trị sớm. Tuy nhiên, kiến thức y tế của nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn còn thiếu, họ không thường xuyên theo dõi tâm sinh lý cũng như ít khi hướng dẫn con cái đi kiểm tra sức khỏe và thường kỳ vọng quá lớn, luôn coi con mình là “ngôi sao sáng”. Chính điều này đã vô tình khiến con cái bị bệnh lúc nào không hay.
Để không bỏ lỡ các kỳ thi các chuyên gia khuyên các bạn học sinh, sinh viên nên:
Học vừa đủ, đúng thời gian, thời điểm.
Tìm cách thư giãn trước kỳ thi.
Ăn nhiều trái cây và rau quả, uống nhiều nước, tránh thức ăn ngọt, tập thể dục thường xuyên.
Hãy thử hít thở sâu, thiền, yoga... để đối phó với sự căng thẳng của kỳ thi.
Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ, tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc, chăm sóc cơ thể bạn về chế độ ăn, ngủ.
Giảm bớt áp lực học tập, tìm sự giúp đỡ của mọi người.
Có thời gian biểu, kế hoạch học tập một cách hợp lý, đặc biệt là giai đoạn cuối của những kỳ thi, học dồn ép nhiều, dễ gây ra nhiều bệnh lý do căng thẳng, mất ngủ.
Không nên sử dụng những chất kích thích như chè, café, rượu, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần.
Với các bạn học sinh khi có các biểu hiện trên cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị kịp thời hiệu quả, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này.
Cuối cùng, các bậc cha mẹ nên thông cảm với con em mình, cần từ bỏ những suy nghĩ áp đặt lên chúng. Cha mẹ cũng không nên đánh giá các em dựa trên điểm số trong các kỳ thi, mà nên nhìn vào tổng thể của đứa trẻ, xem xét những mặt giỏi, tiến bộ của con mình. Tuyệt đối, không bao giờ được chỉ trích, so sánh hoặc bêu xấu một đứa trẻ.