Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tính đến chiều 15/5, có 49 người đã gọi điện đến Trung tâm xin hiến tạng lá phổi để cứu nam phi công người Anh (bệnh nhân 91 nhiễm COVID-19)
Tình trạng tổn thương phổi của nam phi công người Anh khá nặng, hiện chỉ còn khoảng 10%. Do đó, ghép phổi là cơ hội sống của bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiêu tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi.
Theo ông Phúc, mỗi trường hợp tình nguyện đăng ký hiến tạng đều rất đặc biệt và xúc động.
“Ngày hôm qua có một nữ công dân Việt Nam sinh sống ở Myanmar khi nghe tin đã gọi điện về cho chúng tôi nói chị cùng nhóm máu với bệnh nhân 91. Nếu chờ đợi được đến ngoài 20/5 này chị ấy được về nước có thể tiến hành lấy các mẫu xét nghiệm nếu phù hợp chị ấy sẵn sàng hiến tạng cứu người.
Đó là câu chuyện xúc động vượt ra ngoài biên giới, dù có những người ở xa nhưng vẫn luôn hướng về tổ quốc, muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc phòng chống dịch”, ông Phúc nói.
Ngoài ra trong số đó có cả cựu binh 75 tuổi cũng đăng ký hiến tạng của mình cứu bệnh nhân. Bởi ông luôn tin tưởng vào ngành y tế Việt Nam, những điều mà chúng ta đang làm. Đây là những điều tử tế lan tỏa trong cộng đồng.
Trên thế giới hiện đã có 3 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng ghép phổi thành công. Việt Nam cũng đã ghép phổi thành công một số trường hợp trước đó. Do vậy, chúng ta có đủ năng lực và trình độ để ghép phổi cho bệnh nhân này.
Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não. Bộ Y tế ghi nhận tấm lòng của các cá nhân xin hiến phổi để ghép cho bệnh nhân 91.
Sở Y tế TP.HCM thông tin, đến ngày 15/5, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đã rút ống dẫn lưu, đang tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng.
Bệnh nhân hiện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.