50 hộ dân bị ảnh hưởng khi đào hầm dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Một khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ đã được xây dựng để hỗ trợ đền bù 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng do thi công hầm của dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội.
Công nhân dựng rào chắn, đoạn trên phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Công nhân dựng rào chắn, đoạn trên phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đã thống kê được 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng do thi công hầm của dự án; trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư.

Dự án đã xây dựng khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm.

Trên thực tế khi xử lý các công trình bị ảnh hưởng do thi công nhà ga S9-Kim Mã, tháng 11/2019, dự án đã tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình tại địa chỉ số 431 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội (được xây dựng từ năm 1994) bị nứt và hư hỏng, cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9.

Tại thời điểm đó, dự án đã kiểm tra các số liệu quan trắc với kết quả nằm trong ngưỡng an toàn.

Với các vết nứt do điều kiện bảo trì kém, ẩm thấp gây rỉ thép dẫn tới nứt vỡ, dự án đề xuất phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, chủ nhà yêu cầu nhà thầu phải xây lại nhà mới hoặc đền bù giá trị tương đương.

Việc quan trắc tại công trình này tiếp tục được tăng cường. Đến tháng 11/2021, các số liệu quan trắc về độ lún của tòa nhà đã vượt ngưỡng an toàn cho phép. Dự án ngay lập tức kích hoạt quy trình hệ thống đảm bảo an toàn cho tòa nhà.

Theo báo cáo đánh giá, mức độ hư hại và xác định khối lượng tổn thất cho công trình nhà bà Nguyễn Thị Bích là do tư vấn kiểm định độc lập thực hiện kết luận tòa nhà bị nứt, hư hỏng do 2 nguyên nhân chính: tòa nhà đã xuống cấp do đã sử dụng từ năm 1994 và do ảnh hưởng từ việc thi công nhà Ga S9.

Tư vấn kiểm định kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và nhà thầu phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới (cách tính trừ khấu hao theo thời gian sử dụng).

Tư vấn độc lập đã lập dự toán theo quy định của Nhà nước. Theo đó, giá trị 32,55% mà nhà thầu phải đề bù sẽ là giá trị bồi thường cho xây nhà là 523.773.682 đồng, hỗ trợ tạm cư là 50 triệu đồng, hỗ trợ vận chuyển đồ 5,16 triệu đồng.

50 hộ dân bị ảnh hưởng khi đào hầm dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội ảnh 1
Các phương tiện xe cấp cứu, xe chở bệnh nhân…có nhu cầu vào Bệnh viện Tim Hà Nội được phép lưu thông 2 chiều trên tuyến đường Yết Kiêu-Trần Hưng Đạo đoạn từ Cổng viện Tim Hà Nội đến phố Quán Sứ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù 32,55% nhưng không đồng ý giá trị dự toán xây dựng mới tòa nhà.

Dự án tiếp tục xem xét nội dung đề nghị của bà Bích, đồng thời kiến nghị Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Khánh tiếp tục hỗ trợ các bên để hoà giải, sớm kết thúc vụ việc tranh chấp trên tinh thần hỗ trợ và tuân thủ quy định của thành phố.

Đối với công trình nhà tại địa chỉ số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, chủ hộ là ông Lê Hữu Đa, công trình nằm gần khu vực thi công nhà ga S11.

Trước khi thi công, ngày 25/1/2018 ghi nhận tòa nhà của ông Lê Hữu Đa đã có nhiều vết nứt. Ngày 15/1/2020, dự án tiến hành khảo sát lần thứ 2 tiếp tục ghi nhận công trình có nhiều vết nứt nghiêm trọng ở tầng 1 và tầng 2, các vết nứt này phát triền lớn và nhiều hơn so với kết quả khảo sát lần thứ nhất.

Như vậy nhà ông Lê Hữu Đa đã bị nứt nghiêm trọng trước khi nhà thầu tiến hành thi công tại ga S11.

Bên cạnh đó, việc quan trắc vẫn được duy trì thực hiện cho đến nay. Kết quả quan trắc mốc trung gian đặt tại vị trí giữa ga S11 với công trình nhà ông Lê Hữu Đa cũng như tất cả các thiết bị được gắn phục vụ quan trắc xung quanh nhà ông Lê Hữu Đa (ngoại trừ các thiết bị trong khu lún bất thường) đều không có hiện tượng lún.

Trong khi đó, độ lún tại công trình nhà ông Lê Hữu Đa vẫn đang phát triển nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Tháng 5/2021, nhà thầu đã gửi thư khẳng định nguyên nhân dẫn đến các hư hỏng của nhà ông Lê Hữu Đa.

Các chuyên gia của dự án đã kết luận việc nứt, lún của nhà ông Lê Hữu Đa không phải do nguyên nhân từ việc thi công nhà ga S11 của dự án mà là do kết cấu tòa nhà đã bị xuống cấp theo thời gian và không được bảo trì phù hợp.

Ngoài ra, việc lún, nứt phát triển nhanh hơn do tác động thêm của công trình sát cạnh mới được xây dựng trong năm 2020.

Dù nguyên nhân không đến từ việc xây dựng nhà ga S11, nhưng dự án vẫn tiếp tục duy trì quan trắc theo dõi và có báo cáo định kỳ; đồng thời, hỗ trợ chi trả tiền tạm cư (5 triệu đồng/tháng) trong thời gian từ 4/2021 đến 8/2021.

Nếu gia đình ông Đa vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì Ban sẽ đề nghị gia đình ông Lê Hữu Đa và Ủy ban Nhân dân phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập.

Kết quả kết luận, nếu nguyên nhân đến từ dự án, Ban sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan.

Tuyến đường sắt thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là dự án xây dựng công trình giao thông công cộng, giải pháp xanh cho giao thông đô thị, song hành với sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Dự án thi công trong vùng lõi đô thị Hà Nội, việc tổ chức triển khai dự án hết sức phức tạp do tuyến đi qua nhiều khu đông dân cư, mật độ các tòa nhà hiện hữu lớn, rất nhiều tòa nhà đã được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình đã xuống cấp; đặc biệt, trong khu vực phần tuyến hầm và các nhà ga ngầm.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, để đảm bảo lợi ích, an toàn cho nhân dân trong quá trình dự án thi công, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đặc biệt quan tâm tới quản lý, kiểm soát an toàn.

Ngay từ hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và tư vấn đã xác định tiêu chí kiểm soát an toàn trong quá trình thi công là một trong những tiêu chí kỹ thuật bắt buộc và là cơ sở để đánh giá năng lực của các nhà thầu tham dự.

Trước khi tiến hành thi công hiện trường, dự án phải xây dựng kế hoạch hành động, quy trình quản lý, đánh giá, kiểm soát an toàn trước, trong và sau khi thi công; tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, tiêu chuẩn an toàn quốc tế và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu.

Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng, đánh giá rủi ro khi thi công.

Toàn bộ công trình này đều được thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công để kiểm soát an toàn.

Bên cạnh đó, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án, bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình để đảm bảo chắc chắn rủi ro nếu có sẽ được giải quyết.

Bên cạnh đó, trong quá trình quan trắc, theo dõi bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, kết hợp với việc cập nhật thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương.

Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dự án ngay lập tức tạm dừng thi công tại khu vực đó, kích hoạt hệ thống an toàn, tiến hành khảo sát bổ sung, đánh giá phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý thông báo tới người dân, chính quyền địa phương để có hành động phù hợp, kịp thời./.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).