Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ ra, có 7 ngân hàng, trong đó hơn nửa nhà băng ngoại đã có mức tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép năm 2019. Tổng số dư nợ tăng trưởng vượt hạn mức tối đa này là gần 26.000 tỷ đồng.
Mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất. Sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đầu năm, cơ quan này tiếp tục có đợt nới rộng thêm lần 2 vào nửa cuối năm.
Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.
Tuy nhiên, trong năm 2019, có một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Đứng đầu danh sách ngân hàng nội là Ngân hàng Đại Chúng (PVcomBank) với số tiền vượt 13.656 tỷ đồng. Kế đến là Ngân hàng Sài Gòn và Ngân hàng Bảo Việt vượt tín dụng cho phép lần lượt là 8.654 tỷ đồng và 3.153 tỷ đồng.
Danh sách này cũng đề cập đến 4 ngân hàng ngoại là Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho TP HCM vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh TP HCM vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác.
Có thể kể đến như thành viên của Big4 Vietcombank. Đơn vị Kiểm toán Nhà nước xác định ngân hàng đã ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỷ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỷ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành L/C; hạch toán thừa lãi dự chi 19,07 tỷ đồng.
Hay như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh hạch toán thiếu doanh thu hơn 7 tỷ đồng với các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, cũng như chưa hạch toán thu đòi người thứ ba trên 55 tỷ đồng, trích lập dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm thừa 13,96 tỷ đồng...
Ngoại trừ các trường hợp năm 2020 các ngân hàng đã phân loại vào nhóm nợ cao hơn hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán nhà nước không điều chỉnh nhóm nợ.
Tại Vietcombank, dư nợ nhóm 1 điều chỉnh tăng hơn 16,3 tỷ đồng, nhóm 2 là gần 418 tỷ đồng; giảm dư nợ nhóm 4 là 434 tỷ đồng.
Điều này phần nào dẫn đến việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không chính xác. Tuy nhiên có nhiều khoản ngân hàng đã trích lập bổ sung đầy đủ hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán nhà nước sẽ không điều chỉnh giảm chi phí dự phòng tại Vietcombank vào khoảng 1.940 tỷ đồng.