70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bức tranh panorama - niềm tự hào của mỹ thuật Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bằng ngôn ngữ hội họa, bức tranh tròn panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã tái hiện một cách chân thực, sống động và hùng tráng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tác phẩm trở thành kiệt tác nghệ thuật, là niềm tự hào của mỹ thuật Việt.
Du khách tham quan bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN.
Du khách tham quan bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN.

Chiêm ngưỡng kiệt tác hội họa Việt

Những ngày tháng 5 lịch sử, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước đồ về Điện Biên, ghé thăm những di tích lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy, đặc biệt là chiêm ngưỡng bức tranh tròn panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, được gần 200 họa sỹ trẻ vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích hơn 3.000m2.

Tác phẩm gồm 4 trường đoạn, được phân tách theo từng chủ đề. Hơn 4.500 nhân vật được tái hiện trong tranh, cùng với khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ được các họa sỹ thể hiện sống động, chân thực, kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật, âm nhạc, ánh sáng… tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, một bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ hoành tráng, hấp dẫn, gây ấn tượng thị giác mạnh tới du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ ở Điện Biên, tại Hà Nội, câu chuyện về bức tranh tròn panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng trở thành đề tài “nóng”, khi được các cơ quan, đơn vị tổ chức trình chiếu cho công chúng và du khách thủ đô chiêm ngưỡng.

Theo đó, trong 2 ngày 4-5/5, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức trình chiếu bức tranh bằng công nghệ 3D mapping tại Tượng đài Cảm tử (quận Hoàn Kiếm). Với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc, âm thanh sống động, buổi trình chiếu khiến nhiều người dân trong nước, bạn bè quốc tế thích thú.

Tại trụ sở báo Nhân dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội), triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 6-12/5/2024. Theo đó, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bức tranh bao quanh hình tròn đường kính 5,5m, chiều cao hơn 3m và trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR) với mô hình tranh panorama 360 độ...

Kỳ tích của mỹ thuật Việt

Đánh giá về bức tranh tròn panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định, đây là “kỳ tích” của mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh được các họa sỹ tái hiện chân thực, sống động, đầy rung cảm, tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chia sẻ ý tưởng thực hiện bức tranh, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, người “nhạc trưởng” của dự án nghệ thuật kể, là người yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam, ông luôn tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc. Năm 2013, cơ duyên đưa ông lên Điện Biên tham gia trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khi đó, bảo tàng vừa xây xong, trong thiết kế có dành một diện tích lớn vẽ tranh, ông thấy thích nên đã ấp ủ ý tưởng vẽ bức tranh này.

Trở về, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc cùng các cộng sự lên đề cương, tìm kiếm các nguồn tư liệu liên quan ở trong và ngoài nước; tổ chức đi điền dã, tìm kiếm những nhân chứng lịch sử, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử… Bên cạnh việc tìm tài liệu ở các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ, ông cũng nhiều lần sang kho tư liệu của TTXVN và tìm được nhiều tư liệu quý, là các bản tin, hình ảnh liên quan đến chiến dịch. Sau đó, ông cùng các cộng sự chọn lọc và xâu chuỗi các nguồn tư liệu, hình ảnh, xây dựng đề cương thực hiện tác phẩm.

Sau gần 3 năm làm đề cương, vẽ phác thảo, đến năm 2018, khi bản phác thảo gần 100m2 hoàn thành, ông mời đại diện tỉnh Điện Biên xem, lãnh đạo tỉnh thấy bức tranh rất thích, nên đã đồng ý với bản đề xuất phác thảo và thành lập Hội đồng nghệ thuật quốc gia, gồm các họa sỹ, nhà điêu khắc, các nhà kiến trúc… để đánh giá và góp ý cho bức tranh. “Năm 2019, sau khi được sự đồng ý của Hội đồng nghệ thuật, tỉnh Điện Biên đã ký hợp đồng thực hiện dự án và các nghệ sỹ bắt tay vào triển khai thực hiện, đến năm 2022, tác phẩm hoàn thành và ra mắt công chúng”, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc nhớ lại.

Bức tranh hoàn thành, được giới trong nghề và công chúng yêu thích, trở thành một kiệt tác và là niềm tự hào của mỹ thuật Việt. Tác phẩm đã giành nhiều giải thưởng lớn như Giải Nhất - Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022; Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhìn thành quả lao động của mình và các cộng sự sau gần 10 năm bền bỉ, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc vô cùng xúc động và tự hào. Ông bảo, ông rất vui khi thấy tác phẩm đã thể hiện và truyền tải được tinh thần cũng như giá trị lớn lao của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và ông càng vui hơn, khi thông qua quá trình thực hiện bức tranh, ông nhận thấy các họa sỹ trẻ không hề thờ ơ với lịch sử.

“Các họa sỹ tôi mời tham gia vẽ tranh hầu hết đều tầm 25-30 tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng không quá 35, dù chưa từng nếm mùi bom đạn, chiến tranh, nhưng các họa sỹ đã tái hiện thành công Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng nghệ thuật hội họa. Nếu không có lòng yêu nước, không yêu lịch sử dân tộc, làm sao các nghệ sỹ trẻ có thể cầm bút và vẽ nên những nét vẽ tuyệt vời đến như vậy”, họa sỹ Nguyễn Văn Mạc khẳng định.

Những chuyện bây giờ mới kể

Họa sỹ Nguyễn Văn Mạc tự hào khoe, kiệt tác nghệ thuật hội họa về Chiến dịch Điện Biên Phủ ấy 100% là “made in Việt Nam”. Toàn bộ tác phẩm là công sức, là bàn tay và khối óc của các nghệ sỹ Việt Nam tạo dựng nên, không có máy móc, cũng không có sự tham gia của bất cứ chuyên gia hay nghệ sỹ nước ngoài nào. Đây là thành công và là niềm tự hào lớn lao của mỹ thuật Việt. Điều đó khẳng định, các họa sỹ Việt rất tài năng, có thể sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Một trong những yếu tố góp phần vào thành công của tác phẩm là phần âm nhạc song hành cùng tác phẩm. Nhưng rất ít người biết, phần nhạc nền được sử dụng không gian bức tranh tròn panorama được lựa chọn và sáng tác bởi Phó giáo sư, Tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết, cách đây hơn 2 năm, ông được họa sỹ Nguyễn Văn Mạc, người phụ trách dự án mời tham gia thiết kế phần nhạc nền trong không gian trưng bày tác phẩm. Ông và nhạc sỹ Đức Trịnh (Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam) đã nhiều lần đến quan sát quá trình các nghệ sỹ thực hiện tác phẩm. Sau đó, hai nhạc sỹ đã cùng bắt tay vào tìm mô-típ, chọn các tác phẩm âm nhạc phù hợp để nhạc và họa cùng song hành trong không gian nghệ thuật đặc biệt này.

Ban đầu, ông đã soạn bản nhạc dài khoảng 30 phút, nhưng đến khi ghép với thực tế, ông nhận thấy nếu để nhạc dài quá thì không phù hợp cho người nghe, nên đã rút xuống còn 16 phút.

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, đã có rất nhiều nhạc phẩm hay viết về Điện Biên như “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân, “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sỹ Nguyễn Thành, đặc biệt là chùm 3 ca khúc “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận…, nhưng ông chỉ lựa chọn và sử dụng một vài câu hát trong những nhạc phẩm đó. Còn lại rất nhiều trường đoạn trong bản nhạc dài 16 phút đó là do ông tự sáng tác và chủ yếu là nhạc không lời.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân gọi tác phẩm âm nhạc ông viết cho bức tranh tròn là một “bản giao hưởng nhiều chương”. Tên của các chương cũng chính là tên của các trường đoạn trong tranh. “Đây là bức tranh tròn đầu tiên ở Việt Nam và cũng là tác phẩm nghệ thuật lớn có sự kết hợp giữa hội họa và âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam”, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?