70 năm Hiệp định Geneva: Lực có mạnh, thế mới vững

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Sau gần 70 năm nhìn lại, Hội nghị Geneva với hiệp định lịch sử đã để lại nhiều bài học quý báu, trong đó nổi bật là bài học bài học gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực trong hoạt động ngoại giao.
Hội nghị Geneva được tổ chức từ ngày 26/4/1954 đến ngày 21/7/1954. (Ảnh tư liệu)
Hội nghị Geneva được tổ chức từ ngày 26/4/1954 đến ngày 21/7/1954. (Ảnh tư liệu)

Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hiệp định Geneva không phải là một sự kiện ngoại giao thuần túy mà nó là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc bền bỉ, khởi nguồn từ cuộc Cách mạng tháng Tám đến 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiệp định Geneva là sự phản chiếu thành công của một cuộc kháng chiến vĩ đại, do đó nó mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Thực tế lịch sử đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng cho thấy, đối phương chỉ thực sự chấp nhận các giải pháp ngoại giao khi họ thừa nhận thế và lực của chúng ta, hay chịu thua trên chiến trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ giữa năm 1953, khi Hiệp định đình chiến tại bán đảo Triều Tiên được ký kết, xu thế hòa hoãn trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các nước lớn muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng. Ngày 18/2/1954, tại Berlin, Hội nghị ngoại trưởng bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sỹ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp. Cùng thời gian này, ở lòng chảo Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp đang ở tình thế khốn đốn trước sức tiến công mạnh mẽ của các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, do chiến sự ở Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ nên Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự. Chỉ đến đầu tháng 5/1954, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp dần bị quân đội nhân dân Việt Nam bao vây, bóp nghẹt, không thể cứu vãn nổi thì thực dân Pháp và các nước đồng minh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chiều 7/5/1954, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Ngày 8/5/1954, Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị với tư thế của một dân tộc vừa chiến thắng. Ngay từ phiên họp đầu tiên, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra lập trường tám điểm về một giải pháp toàn diện cả về quân sự và chính trị cho bán đảo Đông Dương.

Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ với lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam, chính là nhân tố quyết định đưa phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến bàn Hội nghị, buộc phía Pháp phải trực tiếp đàm phán với đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái "chiêng" rất to phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, dội mạnh vào Hội nghị Geneva, đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp thô bạo của đế quốc Mỹ.

Hiệp định Geneva là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc. Việt Nam đã giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to...”. Việc đàm phán và ký kết Hiệp định đem lại những kinh nghiệm lịch sử quý giá cho cách mạng Việt Nam, nhất là quá trình đấu tranh ngoại giao sau này ở Hội nghị Paris (13/5/1968 - 27/1/1973). Chúng ta đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tạo thế và lực cho đấu tranh ngoại giao với cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Nếu như ở Hiệp định Geneva, ta có chiến thắng Điện Biên Phủ làm “chiêng”, thì tới Hiệp định Paris 1973, với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận định: “Không có Điện Biên Phủ làm sao có Hiệp định Geneva. Tương tự như vậy, không có “Điện Biên Phủ trên không”, làm gì có Hiệp định Paris đầu năm 1973”. Như vậy, cả hai hiệp định đều được ký sau các thắng lợi quân sự quan trọng của quân dân Việt Nam. Việt Nam đến với cả hai hội nghị trong tư thế của một dân tộc chiến thắng, buộc đối phương phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, cam kết chấm dứt chiến tranh và rút quân về nước.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Hiệp định Geneva với bài học kết hợp, phối hợp nhịp nhàng giữa “tiếng chiêng” ngoại giao với “cái chiêng” là thực lực cách mạng; phối hợp ngoại giao với chính trị, quân sự để “tiếng chiêng” vang xa, chống lại kẻ địch mạnh hơn vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, khi đất nước đang trong thời kỳ hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng thì "cái chiêng" cho công tác đối ngoại chính là thế và lực của đất nước trên trường quốc tế.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhìn chung, vị thế trong hoạt động ngoại giao chỉ vững chắc khi có thực lực mạnh. Hoạt động ngoại giao phải luôn luôn dựa vào và góp phần gia tăng thực lực của đất nước.

Thực lực quốc gia được hun đúc bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chứ không phải chỉ có sức mạnh vật chất, dù rằng sức mạnh vật chất là cực kỳ quan trọng. Chính uy tín quốc tế mà nước ta đã tạo dựng được bằng ý chí chính nghĩa, khí phách kiên cường và bản lĩnh văn hóa của dân tộc qua các cuộc đấu tranh giải phóng trước đây; bằng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hiện nay; và bằng chính truyền thống, bản sắc ngoại giao giàu tính nhân văn, hòa hiếu Việt Nam - Hồ Chí Minh đã tạo ra cho Việt Nam một vị thế ngoại giao to lớn, mặc dù kinh tế nước ta còn nghèo, lực vật chất của chúng ta còn có hạn.

Chặng đường gian khó mà vinh quang trong xây dựng, bảo vệ và đưa Tổ quốc tiến lên phía trước cũng đã cho thấy, chúng ta đã thực hiện nhuần nhuyễn bài học kết hợp thế và lực trong hoạt động ngoại giao. Chúng ta đã không ngừng gia tăng, củng cố tiềm lực quốc gia, với những thành tựu ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, qua đó giúp ngoại giao Việt Nam có được vị thế, uy tín ngày càng cao, đóng góp ngày càng quan trọng trong các diễn đàn, định chế và các vấn đề quốc tế mang tính toàn cầu, khu vực. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường được mời tham dự và có những bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres trong cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam từng khẳng định: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”; nhấn mạnh Việt Nam là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ trông đợi Việt Nam đóng góp ngày càng lớn vào quản trị toàn cầu.

Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm hiện thực ước mơ đất nước hùng cường với thời cơ, thuận lợi song hành cùng thách thức. Thế nên đối ngoại Việt Nam càng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ, sáng tạo bài học kết hợp thế và lực trong đàm phán Hiệp định Geneva 70 năm trước trên nền tảng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam". Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đó cũng chính là cơ sở góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh của Việt Nam, phát huy sức mạnh ngoại giao của Việt Nam./.

Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
Chốt danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024
(Ngày Nay) - Ngày 30/10, theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), kết thúc đợt tập huấn tại Thái Lan với 2 trận giao hữu chất lượng, Huấn luyện viên trưởng Diego Raul Giustozzi đã đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 14 cầu thủ tham dự Giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2024.
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
Khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Tà Ngáo ở vùng biên An Giang
(Ngày Nay) - Chùa Tà Ngáo theo hệ phái Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại sóc Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng cho lối kiến trúc chùa tháp của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Nam Bộ. Với hơn 200 năm tuổi, chùa Tà Ngáo còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer của tỉnh An Giang.
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên "dế" thông minh
(Ngày Nay) - Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh (PUMCH) ở Trung Quốc đã phát triển một hệ thống nhiệt học hồng ngoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI-IRT) để sàng lọc ung thư vú, cho phép người dùng dễ dàng kiểm tra nguy cơ ung thư thông qua một ứng dụng bằng cách kết nối các camera hồng ngoại với điện thoại thông minh của họ.
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
Nỗ lực vệ sinh trường lớp, đón học sinh trở lại khi nước lũ rút ​
(Ngày Nay) -  Chiều 29/10, bà Võ Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, nhà trường đang huy động toàn bộ nhân lực thực hiện dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau khi lũ từ thượng nguồn đổ về làm toàn bộ ngôi trường ngập trong biển nước, hơn 2.600 học sinh phải nghỉ học. Dự kiến ngày 30/10, sau khi nước lũ rút, trường sẽ đón học sinh trở lại học.
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
Vietjet và Emirates hợp tác mở rộng kết nối quốc tế, thúc đẩy thương mại và du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 29/10/2024, Vietjet và Emirates đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng kết nối giữa các thành phố lớn của Việt Nam và Dubai, UAE, cũng như các điểm đến toàn cầu, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - UAE. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy du lịch và thương mại giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế và giao thương.