75 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ngày 9/5/1945, khi đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II. Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng hàng năm, người Nga lại bồi hồi nghe lại những ca khúc huyền thoại gợi nhớ về cuộc chiến tranh Vệ quốc. Bài viết giới thiệu một số ca khúc bất hủ khích lệ lòng yêu nước tới những người yêu văn hóa, con người Nga cũng có dịp thưởng thức, hồi tưởng lại một thời.
Bài hát Chiều hải cảng
“Chiều hải cảng” là một trong những bài hát trữ tình được yêu thích nhất trong những năm chiến tranh Vệ quốc do nhạc sĩ V. Solovyov Sedoi sáng tác. Bài hát kể về tình yêu của người thủy thủ với thành phố hải cảng, với ngôi nhà thân quen đang trong vòng vây của quân thù và một niềm tin vào ngày mai chiến thắng. Bài hát “Chiều hải cảng” đi vào tâm thức người Việt, góp phần động viên lớp lớp thanh niên Việt Nam lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang cho biết, những lời hát dịu dàng của “Chiều hải cảng” của người chiến sĩ vừa để trấn an mình và trấn an hậu phương: "Bài hát được phổ biến vào tháng 8/1941 trong những ngày tháng khốc liệt và khó khăn của Liên Xô. Khi chưa biết về bài này tôi đã thấy có nỗi xót xa ẩn giấu rất sâu. Đây là bài hát của những người lính thủy trước một chuyến đi có thể không thể trở về. Họ hát dịu dàng vừa để trấn an mình và để trấn an hậu phương."
Bài hát Kachiusa
Một ca khúc Nga được nhiều người Việt yêu thích có tên Kachiusa. Bài hát có lời thơ Mikhail Isakovsky và nhạc của Matvei Isaakovich Blanter. Bài hát “Kachiusa” được hát cả tại làng quê cũng như thành phố, tại các cuộc mít tinh cũng như tại lễ hội dân gian, hoặc đơn giản trong gia đình, bên bàn ăn ngày lễ. “Kachiusa” có sắc thái mới trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Nữ nhân vật chính trong bài hát cũng có sự thay đổi – khi thì cô là người lính cầm súng, khi thì là người bạn gái chung thủy của anh chiến sĩ, chờ anh chiến thắng trở về, khi thì cô lại là người y tá mặt trận.
Trong những năm chiến tranh và thời kỳ đầu hoà bình, Kachiusa đã được cả thế giới cùng hát. Nhà phê bình V. Bakhơtin đã viết trên Báo Văn học: “Kachiusa là bài hát nổi trội nhất trong văn học thành văn và cả trong dân gian không chỉ trong lịch sử nước Nga. Tôi chưa thấy một bài hát trữ tình nào được nhiều người yêu chuộng và hát đắm say đến như vậy.”
Bài hát Đàn sếu
Quý vị đang nghe giai điệu bi tráng của ca khúc “Đàn sếu” do nhạc sĩ Yan Frenkel phổ thơ của Rasul Gamzatov. Bài hát này viết về những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Mặt khác, hình tượng đàn sếu trong văn hóa Nga cũng không hề xa lạ. Rasul Gamzatov hồi tưởng rằng khi ngồi trên máy bay từ Nhật về Liên Xô ông đã nhớ về mẹ, nhớ về những người anh của mình và biết bao người thân đã hy sinh trong chiến tranh. "Có phải thế mà tiếng kêu đàn sếu\ Tự bao giờ giống với tiếng Avar" – Rasul viết như thế trong bài thơ "Đàn sếu".
Nhà báo Trương Anh Ngọc kể về một kỉ niệm của anh gắn với ca khúc này:"Khi tới Nga tôi tới thăm đồi… ở đó, tôi thấy ngạc nhiên và xúc động khi thấy một nhóm các bạn trẻ người Nga hát bài này. Họ dạy con cháu lịch sử rất tốt. Chiến tranh đã qua nhưng mỗi năm họ vẫn tổ chức duyệt binh rất hoành tráng."
Bài hát Cuộc chiến tranh thần thánh
Chỉ 2 ngày sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, ngày 24/6/1941 bài thơ với hai khổ đầu nổi tiếng “Hãy đứng dậy, đất nước rộng lớn; Hãy đứng dậy, bước vào trận quyết tử” xuất hiện trên các báo "Izvestia" và "Sao đỏ". Quá ấn tượng với bài thơ, chỉ sau một đêm, nhà soạn nhạc Alexandrov đã phổ xong nhạc cho ra đời ca khúc.
Ngày 26/6, bài hát lần đầu tiên vang lên tại Nhà ga Belorussky để đưa những người lính lên tàu hỏa ra mặt trận. Bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” được xem như “quốc ca” của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bài hát đã làm rơi nước mắt hầu hết những người dân Xô viết khi lần đầu tiên nghe nó.
Dịch giả Nguyễn Thụy Anh cho rằng, âm nhạc Nga nói hộ câu chuyện của bao người lính trên thế giới: "Âm nhạc Nga, giai điệu Nga vượt qua mọi khái niệm về âm nhạc có giá trị bất biến về nhân loại Tổ quốc, tình yêu, tuổi trẻ. Đây là câu chuyện chung của chúng ta của những người Việt trong chiến tranh, thời hậu chiến."
Những khúc ca huyền thoại theo chân những người lính ra mặt trận, theo chân các anh trở về nhà, tạc lại trong lòng hậu phương hy vọng đoàn tụ, hát lên những khát vọng hòa bình ở muôn nơi./