Trước đó, ngày 16/4/2018, bệnh nhân T.N.T. nhập viện trong tình trạng đau hạ sườn phải, sốt, vàng da. Sau khi tiến hành siêu âm, chụp CT-Scanner, xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán ông T. bị viêm tắc ống mật và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phát hiện toàn bộ đường mật trong và ngoài gan giãn lớn và tắc hoàn toàn do sán lá gan. Các bác sĩ đã tiến hành hút, gắp sán lá gan trong ống mật của ông T. ra ngoài, số lượng vào khoảng trên 800 con, trong đó có những con dài 2 -3 cm, ngang 1 cm, loại sán này có thể sống trong đường mật khoảng 10 năm. Bệnh sán lá gan thuộc diện ký sinh trùng nên các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát tiếp tục phối hợp với bác sĩ chuyên Khoa Nhiễm dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân T.
Ông T.N.T. cho biết, trước đây thường có thói quen ăn gỏi cá với rau sống. Ông thường bị đau bụng, ngứa từ vùng bụng xuống chân, rất khó chịu trong người khi ăn các loại thức ăn nóng như ớt, riềng hoặc uống rượu, bia. Mỗi khi bị vậy, ông thường tự điều trị bằng thuốc chữa đau dạ dày nhưng không thuyên giảm.
Theo bác sĩ Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, sán lá gan có nhiều trong cá, ốc và các loại rau sống dưới nước như ngò ôm (rau ngổ), cần nước, rau nhút... Khi ăn sống những loại rau này hay gỏi cá sống thì ký sinh trùng sán lá gan sẽ đi vào trong ruột, rồi vào gan tạo áp-xe hoặc di chuyển xuống đường mật trú ngụ. Trường hợp bệnh nhân T.N.T. nếu không được điều trị kịp thời, để lâu sẽ gây viêm đường ruột mãn tính và biến chứng ung thư đường mật.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại rau sống dưới nước. Trường hợp người dân có thói quen ăn gỏi cá hay ăn sống các loại rau ở ao hồ mà có triệu chứng sốt, đau vùng gan thì nên đến bệnh viện xét nghiệm để được điều trị sớm.