Những căn nhà ấy được biết đến với tên gọi “akiya” - ám chỉ những căn nhà vô chủ bị bỏ không nằm tại các khu vực nông thôn.
Tại những đô thị lớn như Tokyo và Kyoto, ngày càng xuất hiện nhiều những căn nhà akiya. Điều này khiến chính phủ của Nhật Bản, vốn đang phải vật lộn với vấn nạn già hóa dân số cũng như tỉ lệ sinh giảm hàng năm, quan ngại sâu sắc.
Ông Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, cho biết: “Đây là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của dân số Nhật Bản".
Số liệu được thống kê bởi Bộ Nội vụ và Truyền thông cho thấy 14% trong tổng số nhà ở tại Nhật Bản hiện bị bỏ không, trong đó bao gồm cả những căn hộ được mua để đầu tư và những ngôi nhà bị bỏ trống vì nhiều lý do như gia chủ công tác ở nước ngoài.
Các chuyên gia cho biết những căn nhà này không bị bỏ mặc cho xuống cấp hoàn toàn, khác với những căn nhà akiya truyền thống.
Sự gia tăng của những căn nhà bỏ trống đã làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó bao gồm việc cản trở quá trình phục hồi những thị trấn ít người ở, có nguy cơ trở thành mối nguy hiểm do ít bảo dưỡng, làm tăng rủi ro cho lực lượng cứu hộ trong thời điểm xảy ra các thảm họa thiên nhiên.
Theo các chuyên gia, thường thì những ngôi nhà akiya sẽ được truyền lại qua các thế hệ. Tuy nhiên, tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Nhật Bản khiến nhiều gia đình không có con nối dõi để chuyển giao, hoặc căn nhà được kế thừa bởi những người trẻ đã chọn rời bỏ các vùng nông thôn để chuyển tới sống ở các thành phố.
Thêm vào đó, một vài căn nhà vẫn bị bỏ ngỏ do hồ sơ không được ghi lại đầy đủ khiến việc tìm kiếm chủ nhà gặp nhiều khó khăn.
Điều này ngăn chính quyền phục hồi các căn nhà đang xuống cấp, cản trở nỗ lực thu hút những người trẻ tuổi quan tâm đến lối sống vùng nông thôn hoặc các nhà đầu tư bất động sản.
Trước chính sách thuế của Nhật Bản, một số chủ sở hữu thường thấy việc giữ lại ngôi nhà sẽ rẻ hơn so với việc phá bỏ và cải tạo. Trong trường hợp họ có nhu cầu bán nhà, tìm đối tượng muốn mua nhà cũng không dễ dàng.
“Nhiều ngôi nhà trong số này không nằm gần hệ thống phương tiện giao thông công cộng, cơ sở y tế hay thậm chí các cửa hàng tiện lợi”, ông Hall chỉ ra. “Cái giá phải trả cho những ngôi nhà này sẽ không hề rẻ.”
Các video đang thịnh hành trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh nhiều người, chủ yếu là người nước ngoài, mua lại những căn nhà giá rẻ ở Nhật Bản và biến chúng thành nhà nghỉ hay quán cà phê.
Dù vậy, ông Hall cảnh báo rằng mọi thứ không đơn thuần như vẻ bề ngoài. “Sự thật là hầu hết những ngôi nhà này sẽ không được bán cho người nước ngoài, hoặc khối lượng thủ tục hành chính cũng như các quy định đằng sau nó không phải là điều dễ dàng đối với những người không thông thạo tiếng Nhật".
Nhiều năm trở lại đây, dân số Nhật Bản không ngừng giảm. Theo thống kê lần cuối vào năm 2022, dân số nước này đã giảm hơn 800.000 người so với con số 125.4 triệu dân vào năm trước đó.
Năm 2023, số liệu thống kê chính thức đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, số ca sinh mới đã giảm trong 8 năm liên tiếp.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản chỉ dao động quanh mức 1,3 trong nhiều năm, cách xa con số cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 1/4, số trẻ em dưới 15 tuổi của nước này đã giảm xuống mức kỷ lục (khoảng 14 triệu). Đây là lần giảm năm thứ 43 liên tiếp.
Giáo sư Yuki Akiyama từ khoa kiến trúc và thiết kế đô thị tại Đại học Thành phố Tokyo, cho biết những ngôi nhà bỏ không đã gây ra nhiều vấn đề.
Vị học giả này cho biết, sau trận động đất mạnh 7.5 độ richter tấn công Bán đảo Noto hồi tháng 1, khu vực xảy ra trận động đất có rất nhiều nhà bỏ hoang đã gây nguy hiểm cho người dân và khiến việc tái thiết sau trận động đất gặp khó khăn.
Theo ông Akiyama, sau trận động đất, các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc quyết định những tài sản bị hư hại nào mà họ có thể dọn dẹp do quyền sở hữu không rõ ràng, gây ra “trở ngại cho việc tái thiết”.
Nhà akiya được cho là sẽ gây đình trệ quá trình phát triển ở những vùng nông thôn Nhật Bản, vốn có mật độ nhà bỏ trống cao.
“Giá trị của khu vực sẽ giảm đi vì thị trường bất động sản ở những nơi này khó có thể mua bán hợp lý và khó phát triển quy mô lớn”, giáo sư Akiyama nói.
Ông Akiyama đã nghĩ ra một chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi akiya. Ông cũng nhấn mạnh vấn đề này không phải chỉ xảy ra ở Nhật Bản mà Mỹ và một số nước ở châu Âu cũng gặp tình trạng tương tự.
Tuy nhiên theo ông, khác với phương Tây, những ngôi nhà ở Nhật Bản không được đánh giá cao vì tuổi thọ của chúng. Người dân thường không thấy giá trị khi sống trong những tòa nhà lịch sử.
“Ở Nhật Bản, nhà càng mới thì giá bán càng cao”, giáo sư Akiyama nói.