Chiều tối 17/9, một quán karaoke 8 tầng ở phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy, nhân viên và khách hàng tại đây hoảng loạn bỏ chạy.
Nhưng điều khiến đám cháy này trở thành tâm điểm chú ý trên mạng lại bắt nguồn từ bức hình một cô gái dùng áo ngực bịt mũi chạy khỏi quán, phía sau là lửa, khói bốc lên ngùn ngụt.
Không thông cảm với nạn nhân vừa thoát chết, nhiều dân mạng lại tỏ ý cười cợt dáng chạy, cách thiếu nữ bảo vệ tính mạng, thậm chí là công việc của cô.
Bị các "nhà đạo đức" trên mạng chỉ trích
Tại các diễn đàn dành cho giới trẻ, bức ảnh cô gái cởi áo ngực bịt mũi chạy khỏi đám cháy liên tục được chia sẻ. Hoàn cảnh, gia đình, công việc của cô từ trước tới nay cũng bị dân mạng tìm ra.
Từ người vô danh, chỉ qua một đêm, trang cá nhân của thiếu nữ bỗng dưng có hơn 20.000 người theo dõi. Từng dòng trạng thái cũng thu hút tới hàng nghìn like (thích) và bình luận.
Sau vài giờ đồng hồ, hành động thoát khỏi đám cháy này trở thành chủ đề bàn tán khắp các trang mạng. Họ chế ảnh, làm thơ, chê bai, phán đoán và cho rằng công việc của cô gái sinh năm 1994 này chắc chắn không tử tế, đàng hoàng, chỉ vì cô chạy ra từ quán karaoke.
Những bình luận vô tâm thế này đang được lan truyền trên mạng.Ảnh chụp màn hình. |
Không những thế, hành động dùng áo lót nhúng nước bịt mũi để thoát khỏi đám cháy của nữ nhân viên cũng bị cười cợt, chỉ trích.
"Nữ bác học phát minh mặt nạ chống độc vừa tiện, vừa rẻ", "Nhân viên ở quán karaoke là làm gì nhỉ?", "Dáng chạy đẹp quá", "Lột cả áo ngực ra không sợ bị nhìn à?" cùng hàng nghìn bình luận khác đã khiến nhân vật chính trong bức ảnh phải thốt lên: "Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là sống để nhận những lời miệt thị từ các bạn?".
Bức xúc trước những ý kiến phản cảm, vô lý, nhiều người đã phải lên tiếng bảo vệ cô gái này.
Nguyễn Ngọc Phượng bày tỏ sự không đồng tình trước một số dòng chữ xúc phạm. Cô cho rằng hành động dùng áo lót thoát khỏi lửa và khói của cô gái kia là thông minh, hiểu biết. Còn việc cô ấy làm công việc gì thì không ai biết, vậy nên đừng đoán mò, làm ảnh hưởng tới người khác.
"Không biết rõ lý do đừng ngồi đó mà phán xét. Hãy xem lại bản thân mình trước đi đã. Rồi các bạn sẽ nhận hậu quả từ sự vô tâm của các bạn mà thôi", thành viên này viết.
Công Nguyễn Thanh giải thích: "Quán karaoke có nhược điểm là đồ cách âm toàn thứ dễ cháy, nên một khi dính lửa chỉ cần hai phút là bùng thành ngọn lớn.
Ai liều chạy ra ngay thì còn sống, chứ ngần ngừ một phút thôi cũng nguy hiểm. Hãy tưởng tượng chính mình hoặc người thân ở trong hoàn cảnh ấy trước khi gõ bàn phím".
Sự độc ác của bàn phím
Thú tiêu khiển và trò thư giãn của dân mạng về vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người nhớ tới những lời đùa cợt về chàng phượt thủ Anh - Aiden Webb - bị mất tích ở Sa Pa vào tháng 6 vừa qua. Trước những lời lẽ đau đớn và mong tìm sự giúp đỡ từ người nhà Aiden, không ít bạn trẻ Việt lại có bình luận cợt nhả, thậm chí vô văn hóa.
Họ quả quyết, với vẻ ngoài đẹp trai, Aiden đã trúng bùa ngải, bị các cô gái dân tộc bắt về làm chồng, đang giã gạo, uống rượu trong bản làng hay bị bán sang Trung Quốc... Thậm chí có người còn cho rằng nam phượt thủ chỉ giả vờ mất tích để câu view, gây chú ý.
Nickname Duy Cường khiến dân mạng bất ngờ khi viết: "Ai bảo đi phượt làm chi, mất tích mấy ngày rồi không tìm ra đâu". Một số tài khoản (cả nam lẫn nữ) còn xin thông tin về năm sinh của chàng ngoại quốc để... chơi xổ số.
Những bình luận hóa gây phản cảm trước sự việc chàng trai ngoại quốc mất tích.Ảnh chụp màn hình. |
Vài ngày sau đó, Aiden Webb được xác nhận đã qua đời. Những người từng gõ bàn phím, viết ra những dòng chữ độc ác trên liệu nghĩ gì?
Trước đó ít lâu, hình ảnh một cô gái tham gia chương trình Một ngày mới cũng nhận về hàng loạt lời đùa cợt và trêu chọc vô tâm. Nhân vật nữ bị gọi là "chuột bạch", "ma-nơ-canh", "kiểu tóc úp vung", trong đó có cả các nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn với giới trẻ.
Cách đây vài năm, cộng đồng mạng có thời gian “sôi sục” vì loạt ảnh của nữ sinh cấp ba, bị đặt tên là “hot girl Thắm Tây”. Những bức hình thời học sinh hồn nhiên, vô tư trêu đùa cùng bạn bè bị mọi người chê bai, dè bỉu, khiến cô suốt thời gian dài phải chịu tai tiếng.
Nổi tiếng hơn cả là "Phồng Tôm". Từ người không rõ danh tính, anh bị ghép mặt vào hàng loạt hình với nội dung tương đối dung tục và phản cảm, gây khó chịu cho người xem ở rất nhiều diễn đàn.
Nhờ cộng đồng mạng, chàng trai nhanh chóng gây chú ý, song sự nổi tiếng này lại không đi theo chiều hướng tích cực.
Trần Thị My - thạc sĩ cộng đồng, ĐH La Trobe, Australia - cho rằng đùa cợt, chế giễu trên mạng không ai có thể tránh khỏi. Thế nhưng, cách thực hiện những trò đùa ra sao để không gây bất kỳ hậu quả nào đáng tiếc, đặc biệt với người không quen biết lại là điều dân sử dụng Internet cần được trang bị.
"Phán xét, nhận định, chỉ trích người khác khi chưa biết họ là ai là điều tối kỵ. Cô gái trong hình làm công việc gì chúng ta không rõ.
Kể cả cô có làm gì, ở vào tình huống nguy hiểm đến tình mạng như thế, cô ấy có quyền được bảo vệ chính mình. Đáng lẽ, thiếu nữ phải được thông cảm vì vừa trải qua giây phút sinh tử, chứ không phải bị tấn công bằng những bình luận độc ác", nữ thạc sĩ nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Khắc Điệp cho hay chính từ sự thiếu hiểu biết mới dẫn đến việc các bạn trẻ có phản ứng và cách hành xử như vậy. Phần lớn bình luận của dân mạng là ăn theo, a dua, hùa với đám đông.
"Các bạn không hiểu để thoát được đám cháy phải mạo hiểm thế nào. Bất cứ thứ gì có thể giúp thở và che được khói đều phải sử dụng. Không có chuyện cứ thế mà chạy ra ngoài là sống sót.
Sẽ là vô tâm và quá đáng khi đối xử với người vừa thoát chết bằng cách tấn công họ như vậy. Còn việc họ làm công việc gì, đó là vấn đề của xã hội, của bản thân và gia đình họ", vị tiến sĩ chia sẻ.