Là nhớ hũ cà pháo, là nhớ mùi con cá trích ve, nhớ tô mì quảng, là nhớ đôi quang gánh, nhớ cái giếng cũ sau nhà… Nỗi nhớ còn đó, ngỡ như mới vừa hôm qua đưa tay là có thể bắt lấy, mà cũng ngỡ như đã vụt mất đâu đó trên bước đường rong ruổi từ lâu lắm rồi.
Không chỉ riêng với quê hương Hội An của tác giả, soi bóng xuống dòng sông Thu Bồn là thấy thấp thoáng bóng quê hương, mà tất cả những người con xa quê, những người con yêu quê đều có thể tìm thấy chính mình, chính ấu thơ của mình, chính nỗi nhớ của mình.
Là mỗi lần nơi phố thị bộn bề, nhớ dáng mẹ lưng còng, lom khom muối mắm. “Mỗi lần ăn mắm lại nhớ bóng dáng của Mẹ lui cui sau hè, hết dở hũ mắm này ra coi chín chưa, lại đem hũ kia ra dang cho được nắng để mắm dậy mùi thơm, rồi san cho đứa này hũ lớn, đứa kia hũ nhỏ đem về để dành ăn.” - (Hũ mắm của Mẹ).
Là một ngày tới, rồi lại một ngày qua “những màu khói lam chiều cũng không còn vấn vít trên những mái nhà lợp tranh”. - (Mùi khói rơm).
Thời gian vô hình, mà thời gian cũng vô tình. Cho nên có đôi lúc ta lắng lòng mình lại, nghe như tim nhói lên nỗi niềm hoang vắng. Có hoang vắng nào bằng nỗi hoang vắng mất mẹ trong đời. Để rồi có bao xuân qua, hoa nở bao mùa, đất trời có thay bao màu áo mới thì những mùa xuân không còn mẹ vẫn mãi chỉ là những mùa xuân mồ côi. “Đã sáu xuân trôi qua rồi, mẹ đi vắng. Con không muốn đếm ngày tháng, vì như thế sẽ càng nhớ mẹ.” - (Những mùa xuân không có mẹ).
Như tác giả Kim Em tâm sự: “Đến bây giờ, khi bước qua bên kia dốc cuộc đời nhìn lại, tôi vẫn thấy mọi thứ như mới hôm qua, hôm kia. Và tôi biết bạn cũng cảm thấy như vậy khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn và hoài niệm về những ngày ấu thơ của mình…”
Tản văn Ăn để nhớ. Ảnh: Bùi Kiều Trang |
Gấp lại những hoài niệm trong Ăn để nhớ, người đọc như còn vừa đi qua những cung bậc, làn điệu dân ca quê hương nhẹ nhàng mà da diết của những người con miền Trung hồn hậu, cần cù. Ở đó, có những đoạn đời tươi đẹp nhất mà mỗi người một cách lưu giữ. Riêng với tác giả, cách đặc biệt lưu giữ những kỷ niệm ấy, chính là…ăn. Và, ăn để nhớ!