Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu mức tiêu thụ chất béo từ sữa của 4.150 người 60 tuổi ở Thụy Điển - quốc gia có mức sản xuất và tiêu thụ sữa cao nhất thế giới, bằng cách đo nồng độ một loại axit béo đặc biệt trong máu của các tình nguyện viên.
Sau đó, các chuyên gia theo dõi nhóm tình nguyện viên trong trung bình 16 năm để quan sát xem có bao nhiêu người bị đau tim, đột quỵ và các biến cố tuần hoàn nghiêm trọng khác, và bao nhiêu người trong số họ đã qua đời.
Sau khi điều chỉnh thống kê các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác bao gồm tuổi tác, thu nhập, lối sống, thói quen ăn uống và các bệnh khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có hàm lượng axit béo cao - biểu hiện của việc ăn nhiều chất béo từ sữa, ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận này sau khi kết hợp kết quả tại Thụy Điển với 17 nghiên cứu khác được tiến hành tại Mỹ, Đan Mạch và Anh.
Ông Matti Marklund, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Australia), đồng thời là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Mặc dù những phát hiện có thể bị ảnh hưởng một phần bởi các yếu tố khác ngoài chất béo từ sữa, nhưng nghiên cứu của chúng tôi không cho thấy bất kỳ tác hại nào của chất béo từ sữa."
“Chúng tôi nhận thấy những người tiêu thụ ở mức độ cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhất", ông Marklund nói.
Kathy Trieu, một nhà nghiên cứu tại Viện George, cho biết việc tiêu thụ một số thực phẩm từ sữa, đặc biệt là các sản phẩm lên men, có liên quan đến lợi ích cho tim.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng cắt giảm chất béo từ sữa có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe tim mạch", Kathy Trieu nói. "Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù thực phẩm từ sữa có thể giàu chất béo bão hòa, nhưng chúng cũng có nhiều chất dinh dưỡng khác và có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, các chất béo khác như chất béo có trong hải sản, các loại hạt, dầu thực vật nhiệt đới có thể có lợi cho sức khỏe hơn chất béo từ sữa.