Kết thúc ngày thứ hai chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, nhìn chung các đại biểu đánh giá cao sự đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát quan trọng này cũng như sự thẳng thắn của các Bộ trưởng. Nhiều ý kiến cũng mong rằng, là những người đăng đàn trong ngày chất vấn cuối cùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời thoả đáng các vấn đề mà cử tri trông đợi.
Sẵn sàng nhận trách nhiệm về những yếu kém
Trong ngày 5/6, hai Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đánh giá các câu hỏi của đại biểu đặt ra cụ thể, ngắn gọn, trực diện vấn đề cần chất vấn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi trả lời cũng thể hiện việc nắm vững lĩnh vực mà mình phụ trách. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã thẳng thắn, cầu thị và sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề còn yếu kém.
Tuy nhiên, điều mà đại biểu Ngọ Duy Hiểu quan tâm chính là việc Bộ trưởng xây dựng được kế hoạch thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội và cử tri.
“Bộ trưởng nên coi vấn đề mà đại biểu và cử tri đặt ra chính là những gợi ý cho công việc của mình trong tương lai. Với các Bộ trưởng, tôi nghĩ áp lực không phải khi đối diện với câu hỏi chất vấn mà là thực hiện điều đã hứa với Quốc hội và cử tri trong quá trình trả lời chất vấn” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) mong rằng, bằng việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất, Bộ trưởng sẽ thực hiện cam kết của mình bằng những giải pháp cụ thể.
Với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng các câu hỏi đã nêu trúng và đúng vấn đề mà xã hội, dư luận rất quan tâm, trong đó có việc làm và thị trường lao động, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ, lao động nông thôn.
“Tôi rất chia sẻ với những nỗ lực, cố gắng và định hướng giải quyết vấn đề này của Bộ. Đặc biệt là chủ trương công tác đào tạo nghề trên cơ sở những dự báo dài hạn cung cầu trên thị trường lao động gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0” – ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm và đánh giá cao những giải pháp tổng thể kết nối giữa các cơ sở dạy nghề và các ngành công nghiệp, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn trong cả nước với định hướng các doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng mong muốn các Bộ trưởng dành nhiều thời gian hơn trong việc tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, chỉ đạo những nội dung mang tính chiến lược, cốt yếu nhất.
Kỳ vọng phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Theo chương trình, phần lớn thời gian ngày làm việc hôm nay (6/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chấ vấn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có 120 phút để phát biểu làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Triệu Thế Hùng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội |
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) kỳ vọng Phó Thủ tướng trả lời thẳng thắn để đại biểu và cử tri thấy được bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; những bước đi gì, đột phá nào để tiếp tục sự tăng trưởng như năm 2017 và quý I năm 2018.
Còn đại biểu Ngọ Duy hiểu thì bày tỏ tin tưởng, là một người dày dạn kinh nghiệm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phần trả lời sẽ làm hài lòng các đại biểu và cử tri về các vấn đề lớn, vấn đề “nóng”. Đó là cổ phần hoá doanh nghiệp, quản lý đất đai, tài sản công, phòng chống tham nhũng và hoàn thiện thể chế.
“Với vấn đề lớn tác động toàn hệ thống và nền kinh tế mà Phó Thủ tướng giải đáp dứt khoát cũng như sau đó Chính phủ có kế hoạch cụ thể thực hiện thì chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế -xã hội” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh lĩnh vực giáo dục rất phong phú, liên quan đến tất cả mọi người, mọi gia đình. Do đó, ông mong rằng, là người công tác lâu năm trong ngành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ đi thẳng vào những vấn đề lớn mà xã hội đang hết sức quan tâm như nâng cao chất lượng giáo dục, đạo đức người thầy và học sinh, xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
“Tôi kỳ vọng bên cạnh lời hứa thì Bộ trưởng có chương trình hành động thực hiện lời hứa bằng những kế hoạch cụ thể đổi mới toàn ngành theo hướng giáo dục Việt Nam phải hội nhập để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Cũng nhấn mạnh giáo dục là nội dung mà mọi người đều quan tâm, đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Kon Tum) mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời thẳng vào cốt lõi vấn đề, từ đó có giải pháp tạo sự chuyển mình, thực sự đổi mới căn bản toàn diện giáo dục như Nghị quyết Trung ương đã đề ra, đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hiện tại và tương lai của đất nước.