Ngoài người đứng đầu bộ phận phần mềm của iPod, người đã tiếp cận ông ngày hôm đó, Shayer khẳng định chỉ có hai người khác trong Apple biết về dự án: Phó chủ tịch bộ phận iPod và Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phần cứng. Cả Shayer và những lãnh đạo đều đã rời khỏi công ty.
Shayer cho biết ông đã gặp hai kỹ sư từ Bechtel, một nhà thầu quốc phòng của Mỹ, và được thông báo rằng họ sẽ chế tạo iPod. Tất cả những gì Shayer phải làm là cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào mà họ yêu cầu từ Apple.
"Chiếc iPod này phải có ngoại hình và hoạt động giống như một máy nghe nhạc thông thường, nhưng sẽ chứa một số phần cứng tùy chỉnh có thể ghi dữ liệu và không bị phát hiện bởi người dùng bình thường", Shayer hồi tưởng. "Đây không phải là dự án hợp tác với Bechtel. Apple đang làm một việc với Bộ Năng lượng Mỹ".
Câu chuyện của Shayer đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tuyên bố của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ trong những năm gần đây về việc họ không ép buộc Apple cài phần mềm khôi phục dữ liệu lên iPhone.
Apple đã nhiều lần phản đối yêu cầu của chính quyền Mỹ về việc cho phép truy cập vào iPhone của những kẻ tình nghi trong các vụ xả súng hàng loạt, đồng thời cho rằng việc xây dựng một phần mềm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của tất cả người dùng.
Shayer cho biết ông chưa bao giờ biết chính xác loại phần cứng nào mà hai kỹ sư của Bechtel đang tìm kiếm để thêm vào chiếc iPod "tuyệt mật". Nhưng Shayer đặt ra một giả thuyết: Bộ Năng lượng Mỹ có thể đã tạo ra một "máy đếm Geiger tàng hình" để đo độ phóng xạ.
"Với nó, bạn có thể đi dạo quanh một thành phố, vừa nghe nhạc trong khi ghi lại bằng chứng về phóng xạ, chẳng hạn như quét uranium bị đánh cắp hoặc phát hiện dấu vết của bom", kỹ sư Shayer nhận định.