ATTP trên mạng : Chất lượng chìm nổi nhờ kỹ nghệ 'thổi phồng'

[Ngày Nay] - Đánh vào tâm lý người bệnh, nhiều đối tượng lừa đảo trên mạng ra sức bán thuốc rởm và quảng cáo “nổ” về công dụng chữa bệnh kỳ diệu của mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN). Nhiều đối tượng không ngại ngần mạo danh bác sĩ, bệnh viện, đặt tên Facebook là bác sĩ A, bệnh viện B… để lừa dối người tiêu dùng, nhất là những người có bệnh đang phải “vái tứ phương”.

Từ quảng cáo “nổ” về tác dụng chữa bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, hiện nay tình trạng quảng cáo các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Facebook diễn ra tràn lan với mật độ dày đặc. “Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm TPCN nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh”.

TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi lừa dối. Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh, hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì họ mù quáng tin vào quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chữa được bệnh nên không đến BV, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Một thời gian dùng TPCN không khỏi, khi quay lại BV thì đã quá muộn, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, bác sĩ can thiệp không còn hiệu quả cao.

ATTP trên mạng : Chất lượng chìm nổi nhờ kỹ nghệ 'thổi phồng' ảnh 1

Trang mạo danh.

Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng lâu dài, khoảng vài tháng mới thấy tác dụng - chính thời gian trông chờ vào phép mày nhiệm của thuốc rởm đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm - TS Nguyễn Thanh Phong lưu ý.

Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, mượn danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... Các thông tin quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát.

Đến những chiêu trò lừa đảo không thể ngờ

Để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, những đối tượng lừa đảo còn lập nên các fanpage của các khoa thuộc các BV lớn, có uy tín với chiêu trò “hỗ trợ chi phí” sử dụng TPCN; bán sản phẩm thử nghiệm... Sau khi người bệnh đăng ký dùng thử sản phẩm sẽ được “hỗ trợ chi phí” và nhân được sản phẩm qua các dịch vụ giao hàng, nên nếu có xảy ra hậu quả gì thì đơn vị “tài trợ” cũng “bặt vô âm tín” tự bao giờ.

Chị Thanh-một bệnh nhân bị đau dạ dày mới đây đã đọc được thông tin từ fanpage mang tên “Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai Hà Nội” giới thiệu: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của BV Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu... thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”.

ATTP trên mạng : Chất lượng chìm nổi nhờ kỹ nghệ 'thổi phồng' ảnh 2

Thông tin hỗ trợ chi phí dùng sản phẩm điều trị dạ dày 
được đăng trên fanpage giả mạo khoa Tiêu hoá-BV Bạch Mai.

Đọc thông tin từ một khoa của BV uy tín nên chị Thanh không ngại ngần nhấn nút “đăng ký” với hi vọng sẽ lọt vào những bệnh nhân may mắn được hỗ trợ, thoát khỏi căn bệnh khiến chị khổ sở bấy lâu. Sau khi có thông tin kèm theo số điện thoại của chị Thanh, đối tượng nhanh chóng gọi vào máy của chị và tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai, gọi đến xác nhận lại thông tin.

Tiếp đó, chị Thanh lại nhận được một cuộc điện thoại khác của một người tự xưng là nhân viên của khoa Dược-BV Bạch Mai. Người này hỏi địa chỉ của chị để ship trà đến, đồng thời không quên nhắc chị chuẩn bị sẵn số tiền là 1,3 triệu đồng. Thấy nghi ngờ, chị Thanh đã liên hệ với phòng Công tác xã hội-BV Bạch Mai để xác nhận và bất ngờ khi các bác sĩ cho biết không dùng Facebook, đó là fanpage giả mạo.

ATTP trên mạng : Chất lượng chìm nổi nhờ kỹ nghệ 'thổi phồng' ảnh 3

Thông tin trên fanpage mạo danh bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 nhằm quảng cáo thuốc chống rụng tóc, bạc tóc.

Tương tự, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những thông tin quảng cáo sản phẩm làm đẹp, thuốc trị nám, thuốc chữa rụng tóc/bạc tóc… do BV Trung ương Quân đội 108 đang thử nghiệm, bệnh nhân có thể đăng ký sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, BV 108 bác bỏ thông tin này và khẳng định: BV chưa triển khai kiểm nghiệm, sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo dược phẩm điều trị bệnh, hay mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp (thuốc trị bạc tóc, rụng tóc, làm đẹp da, thuốc trị nám…) được sản xuất hay kiểm nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều là những thông tin không chính xác.

Xử phạt hơn 6 tỷ đồng hành vi vi phạm quảng cáo

Trước tình trạng quảng cáo tràn lan, mạo danh bác sĩ, BV để quảng cáo TPCN, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Cục đã làm việc với cơ quan chức năng và cả Facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.

Trong năm 2018, Cục ATTP đã xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo, đó là một con số lớn. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối. Có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, mời doanh nghiệp đứng ra công bố sản phẩm đang quảng cáo trên mạng xã hội để lập biên bản phạt, họ phủ nhận không phải do họ thực hiện. Vì thế, Cục ATTP phải thêm những bước khác để xử phạt.

Cụ thể như với hành vi quảng cáo vi phạm trên website mà doanh nghiệp phủ nhận không phải do họ thực hiện mà cho rằng, có thể do cá nhân hoặc đại lý đứng ra quảng cáo (mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm) thì Cục đã gửi báo cáo đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử-Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý các quảng cáo này.

Đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng, trong lúc chờ các cơ quan chức năng quản lý thì không mua, không sử dụng các sản phẩm này, vì đó là những quảng cáo sai sự thật. Nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, cũng có những website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên Facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Facebook cùng với Bộ Thông tin-Truyền thông. Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của Facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của Facebook trong quản lý lĩnh vực này” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.

TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa-BV Bạch Mai khẳng định: Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang.

“Hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”, TS Vũ Trường Khanh cảnh báo.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khuyến cáo, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ và sản phẩm; cảnh giác với những thông tin giả mạo. Thông tin chính thức của BV được đăng tải trên trang web: benhvien108.vn và Fanpage: BV Trung ương Quân đội 108 (có tích xanh). Người dân cần lưu ý những đặc điểm này để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc. 

Không chỉ dè chừng thực phẩm chức năng

Ngay cả đồng hồ, quần, áo, mũ, kính thời trang…. thậm chí kem ốc quế cũng trôi nổi chất lượng trên “chợ” mạng xã hội. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1, chỉ trong một tháng (từ ngày 13/6 - 13/7/2019), Đội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ gian lận thương mại trên trang web và mạng xã hội. Đội đã kiểm tra 41 vụ, phạt hành chính hơn 350 triệu đồng, tổng số hàng hóa; sản phẩm tịch thu, buộc tiêu hủy lên tới 19.197 sản phẩm hàng hóa. Nhiều cá nhân lợi dụng kênh thương mại điện tử là zalo, facebook để kinh doanh hàng lậu, hàng giả nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu, hàng cấm và gian lận thương mại. Đơn cử, website http://www.Tomahawk.vn không thông báo với cơ quan QLNN để đặt hàng vận chuyển hàng lậu từ Trung quốc vào Việt Nam kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau: 1.616 chiếc tai nghe Bluetooth nhãn có chữ HEAD, 340 chiếc chuột máy tính, quần áo trẻ em… Tương tự, chủ nhân website http://www. hoangngancn.vn cũng  sử dụng trang web để kinh doanh hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu. Phát hiện vi phạm, Đội đã tịch thu 112 chiếc bánh, 50 đôi giày, dép (có giày mang nhãn hiệu GUCCI giả mạo)…, đáng chú ý có 6.120 chiếc kem ốc quế do Trung Quốc sản xuất… “Công tác kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại trên thương mại điện tử và môi trường mạng xã hội còn rất phức tạp” – ông Hoàng Đại Nghĩa nhận định.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.