Mở đầu cuộc thảo luận, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, đã điểm lại quá trình thành lập AVSE từ những ngày đầu. Với khát vọng kết nối đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài thành đội ngũ vững mạnh, phát huy tiềm năng của các trí thức trẻ, noi gương thế hệ trí thức đi trước từng hoạt động trong hàng ngũ Hội người Việt Nam tại Pháp, Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương đã cùng với những người bạn xây dựng đề án, triển khai thực hiện ý tưởng thành lập hội AVSE.
Đến nay, tổ chức đã lớn mạnh và tiếp tục được mở rộng. “Hiện nay, chúng tôi đang rất muốn có thêm thành viên mới, vì có những dự án tư vấn cho địa phương cần 40-50 người tham gia mới đảm bảo được chất lượng, tiến độ, nhất là trong lúc các cơ quan trong nước luôn đòi hỏi rất nhiều và phải tiến hành rất nhanh”, ông Nguyễn Đức Khương cho biết.
Theo giới thiệu của AVSE Global, hiện nay tổ chức đang tiến hành rất nhiều chương trình tư vấn, hỗ trợ phát triển trong nước, với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia và nhà khoa học người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động của AVSE trải rộng trên năm mảng hoạt động chính, bao gồm tổ chức chuỗi hội thảo và diễn đàn thường niên, chủ yếu diễn ra tại Việt Nam liên quan đến những chủ đề thiết thực với sự phát triển của đất nước, các dự án tư vấn, tham vấn cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, các chương trình đào tạo cấp cao, các dự án đổi mới sáng tạo, dự án nghiên cứu và phát triển, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Để thực hiện toàn bộ các nhóm chủ đề này, AVSE kết nối tri thức người Việt, tổ chức ra 11 mạng lưới khác nhau. Mỗi hướng hoạt động có nền tảng và công cụ riêng để kết nối trí thức.
Trong năm 2023, để tập trung vào mục tiêu đổi mới và sáng tạo, AVSE sẽ tập trung kết nối dự án khởi nghiệp với các đối tác, nhà đầu tư tham gia. Trong số đó, Hack4Growth là sáng kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để thu hút các dự án khởi nghiệp. Hiện nay, sáng kiến này đã mở đường cho nhiều dự án mới đi vào áp dụng, triển khai trong thực tiễn.
AVSE dự kiến sẽ tổ chức hai sự kiện lớn để mở màn cho chuỗi các hoạt động lớn tiếp theo. Đầu tiên là Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng lần thứ hai. Đây là chương trình trọng điểm có quy mô lớn, với mục tiêu hội tụ người Việt có tài năng trên khắp thế giới về Việt Nam để thảo luận về nhiều chủ đề đất nước quan tâm. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra tháng 6/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự bảo trợ của lãnh đạo thành phố và Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài. Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam dự kiến tổ chức tại Phú Thọ sau ba năm phải trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Chủ đề năm nay sẽ tập trung thảo luận về chính sách phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, phát huy giá trị văn hóa, di sản và thúc đẩy du lịch.
Diễn đàn sẽ có sự tham gia của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chương trình mở màn cho Tuần lễ văn hóa nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngoài ra, còn gần một chục cuộc hội thảo khác về đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, sắp xếp chuỗi cung ứng và chính sách công tại nhiều địa phương trên cả nước. AVSE sẽ kết hợp các đối tác là các trường đại học, trong đó có Học viện Hành chính, Học viện Chính trị quốc gia, Học viện Ngân hàng.
AVSE cũng tham gia vào các hoạt động tư vấn phát triển, đóng góp vào quy hoạch chiến lược kinh tế, môi trường đất đai và nhiều lĩnh vực khác của nhiều địa phương và bộ ngành, với tư cách là bên tư vấn hoặc phản biện chính sách. Tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc, AVSE đang hỗ trợ cho các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Tại miền Trung, AVSE có mặt tại Quảng Trị, Ninh Thuận. Ở miền Nam, các chuyên gia của AVSE tham gia vào các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, An Giang, Bến Tre. Các chương trình hoạt động đều gắn với đặc điểm của địa phương.
Chẳng hạn, ở Yên Bái AVSE tham gia xây dựng Quỹ tương hỗ giúp người nghèo phát triển kinh tế, làm đường liên thôn, trồng cây. “Hiện AVSE đang đàm phán với một tổ chức lớn để thí điểm quy đổi diện tích trồng cây thành chứng chỉ carbon cho địa phương”, bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc điều hành AVSE cho biết. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, AVSE đang thực hiện dự án xây dựng thương hiệu cho thành phố và tư vấn chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phối hợp với đối tác tại Mỹ và trong nước.
Bà Đào Thị Thu Thủy, Chánh Văn phòng AVSE Global, cho biết, AVSE sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo cán bộ sau một thời gian gián đoạn. Chương trình này sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, với sự phối hợp của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong nước, đưa cán bộ nhà nước và khu vực tư nhân ra nước ngoài học tập, tham quan, tạo cầu nối để hợp tác với nước ngoài. “Hơn 10 năm hoạt động, AVSE đã xây dựng được lực lượng trí thức và chuyên gia với hai hệ thống khác nhau. Thứ nhất, là nền tảng mở để tất cả các trí thức, chuyên gia có thể tham gia vào không gian đổi mới sáng tạo, sắp tới sẽ mở rộng thêm không gian cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp muốn tận dụng các hiệp định tự do thương mại, chương rình này sẽ phối hợp cùng VCCI. Nền tảng thứ hai chỉ bao gồm thành viên của AVSE để triển khai các dự án”, ông Nguyễn Đức Khương cho biết.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng hoan nghênh những đóng góp của AVSE “trải rộng từ Bắc đến Nam”. Tuy nhiên, các dự án cần phải tiếp tục tỏa rộng hơn nữa để đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước. Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu thành lập từ năm 2011 tại Paris, tiền thân là Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp.