Bánh đa tươi - Bản sắc ẩm thực đất cảng Hải Phòng

"Những ai đã từng đến đây mà chưa thưởng thức món bánh đa tươi thì coi như chưa từng đặt chân đến mảnh đất cảng", đó là câu nói dí dỏm của người dân Hải Phòng.
Bánh đa tươi - Bản sắc ẩm thực đất cảng Hải Phòng

Trên những cánh đồng chua mặn giành giật từ biển cả, bão tố ngàn đời, người vùng biển Hải Phòng đổi một nắng hai sương lấy những hạt gạo ngan ngát nắng gió trùng khơi.

Bánh đa cua Hải Phòng

Cả thế giới sẽ biết đến bánh đa Hải Phòng - một đặc sản của thành phố Hoa Phượng Đỏ

Gạo ấy phơi già nắng, để qua vụ, đem về làng bánh đa cổ truyền 700 năm Lạng Côn – Kiến Thụy, làng Hỗ - huyện An Dương, Dư Hàng Kênh - trong nội thành, ngâm vào nước vài canh giờ, lại cho vào cối xay nhuyễn, chế nước vừa đủ tạo nên thứ bột sánh mịn, dẻo mềm. Xay xong hòa thêm bột quả gấc chín, giản tiện hơn là chút kẹo đường phèn, hay cầu kỳ nữa là một thứ mật thơm bí truyền để bột có màu nâu sậm. Qua đôi bàn tay tảo tần chịu khó của người thợ miết mỏng, hấp chín, sắp bày kín phên tre nứa đem hong nắng, tráng sương – một loại bánh đa đỏ đặc trưng vùng quê biển đã thành hình.

Để có lá bánh đa tươi, người dân nơi đây phải phơi một nắng, một sương. Nếu làm trong đêm, phơi lên đón sương rồi mới đem phơi nắng. Ngược lại, tráng bánh phơi ban ngày đón nắng thì cuối đêm họ mới thu vào. Như vậy, muốn lá bánh đa khi đem trần lên, thả vào bát canh cua mềm miệng nhưng dẻo dai không bị bở bục hay trương nhũn ngoài chuyện gạo ngon, còn phải có bí quyết từ khâu chế nước xay gạo, điều chỉnh lửa lò khi tráng đến cách phơi bánh đượm nắng, ngấm sương tạo thành bánh đa tươi. Còn thứ bánh phơi khô cong vốn chỉ để đóng gói đem đi các miền xa, dù để được hàng tuần nhưng khi ăn đã vợi bớt đi nhiều phần hương vị đồng biển.

Bánh đa cua Hải Phòng

Ngon miệng và ngon cả... mắt nữa - một món ăn thật tuyệt vời

Món bánh đá tươi trở nên tuyệt hơn khi được kết hợp với một thứ đặc sản nữa của cánh đồng làng là những con cua béo ngậy. Muốn nồi canh cua thơm ngọt, người ta thường chọn cua cái, chắc nhỏ, lượng gạch vàng au dồi dào. Nhưng cũng lại có người thích chọn cua đực vì tuy bị suy giảm chút gạch béo song vị ngọt đậm của canh dường như lại tăng lên đôi phần.

Thành phần thứ ba góp phần làm nên hương vị độc đáo của món bánh đa tươi Hải Phòng là những cọng rau muống giòn ngọt xanh mướt. Rau muống dùng cho canh bánh đa thường là rau muống thả bè cọng to mà giòn, dẽ chẻ lại ít vị sượng đắng. Trong dân gian xưa truyền tụng hai nơi trồng được đúng loại rau muống đặc sản ấy là khu ruộng chua mặn Cầu Tre và Đầm Nghè của bán đảo Đồ Sơn.

Tất cả thứ phẩm ấy đã tạo nên hương vị rất riêng mang đậm bản sắc Hải Phòng: bánh đa tươi, món bánh đa cua đỏ nức tiếng.

Kim Cúc

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).