Bão số 2 gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 2 đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi 10 giờ ngày 4/7, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc, 105,8 độ kinh đông, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và tan dần. Ðây là tin cuối cùng về cơn bão số 2.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp này cho nên hôm nay 5-7, ở các tỉnh Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến từ 50 đến 120 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

★ Sáng 4-7, do ảnh hưởng của bão số 2, khu vực quận Ðồ Sơn, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) có mưa, gió giật cấp 11, song không gây thiệt hại về người và tài sản. Tại khu vực trung tâm TP Hải Phòng gió to khiến nhiều cây xanh bị đổ, gãy trên một số tuyến đường: Trần Hưng Ðạo, Trần Phú, Nguyễn Ðức Cảnh, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông…

★ Do ảnh hưởng của bão số 2, tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có mưa to. Mưa lớn cộng với lượng nước từ các hệ thống kênh mương ở thị xã Hoàng Mai dồn về đã làm vỡ tuyến kênh tưới Nam Vực Mấu tại xóm 16, xã Quỳnh Văn.

★ Sáng 4-7, tại hai xã Mường Hung, Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La mưa lớn đã làm sạt lở hàng trăm mét khối đất đá từ ta-luy dương xuống đoạn đường từ Mường Hung - Mường Cai, khiến các phương tiện không thể lưu thông. Sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Sông Mã, cùng lực lượng chức năng của hai xã Mường Hung, Mường Cai có mặt tại hiện trường, phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện di chuyển và điều máy xúc xuống san gạt đất đá tại điểm bị sạt lở đất. Trước đó, tại các xã Sốp Cộp, Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp (Sơn La) xảy ra mưa to, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân.

★ Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ đêm 3-7 đến trưa 4-7 các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm. Mưa to và dông lốc đã gây thiệt hại về nhà ở và một số công trình công cộng tại các xã trên địa bàn huyện Trấn Yên và Văn Chấn. Ðã có 37 nhà dân cùng hai nhà văn hóa thôn và một xưởng bóc gỗ tại xã Cát Thịnh (Văn Chấn) bị tốc mái. Gió mạnh làm sập đổ hoàn toàn một nhà xưởng đang thi công với diện tích 7.000 m2 của Công ty cổ phần Green Eco tại xã Hưng Khánh (Trấn Yên); một cột điện hạ thế bị gãy đổ tại xã Nga Quán (Trấn Yên). Ước tính thiệt hại khoảng 5,6 tỷ đồng. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Trấn Yên, Văn Chấn trực tiếp xuống kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại.

★ Bão số 2 đã gây thiệt hại đến hệ thống lưới điện của một số tỉnh khu vực phía đông Bắc Bộ làm hơn 300 nghìn khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng, hơn 106 nghìn khách hàng đang bị gián đoạn việc cung cấp điện. Tổng công ty Ðiện lực miền bắc đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục và cấp điện trở lại sớm nhất sau bão.

★ Ngày 4-7, Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) cho biết, đơn vị đã cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ gia đình ngư dân trục vớt tàu cá bị chìm đưa vào bờ. Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 3-7, tại khu vực cửa biển Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tàu đánh cá mang số CM 1475 TS do ông Lê Quốc Việt làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị sóng đánh chìm. Trên tàu có ông Việt và hai thuyền viên. Khi tàu bị chìm, ông Việt và các thuyền viên kịp ôm phao bơi được vào bờ an toàn. Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm đã phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu tổ chức trục vớt, kéo tàu bị chìm vào bờ để sửa chữa, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 100 triệu đồng.

★ UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, đến trưa 4-7, nguy cơ tràn dầu trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mang số hiệu BV 98459 TS tại cảng Phú Quý, đã được kiểm soát. Riêng số dầu đang được chứa trong hơn 100 thùng phuy thì đến 10 giờ ngày 4-7 đã bơm hút được 2.000 lít dầu. Tuy nhiên, do thời tiết tại đảo đang có sóng lớn cho nên lực lượng cứu hộ tạm thời đóng hầm tàu, các thùng phuy dầu trên tàu đã được khóa chặt. Dự kiến trong ngày 5-7 toàn bộ số dầu trong tàu này sẽ được giải phóng, không để xảy ra sự cố tràn dầu trên biển.

★ Vào khoảng 4 giờ sáng 4-7, tàu cá mang số hiệu QNg 92296 đang đánh bắt cá, cách bờ biển thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng khoảng năm hải lý thì bất ngờ bốc cháy. Trên tàu có thuyền trưởng Nguyễn In (trú tại tỉnh Quảng Ngãi) cùng tám thuyền viên. Nhận được tin báo, Ðồn Biên phòng Hải Khê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp các lực lượng cứu nạn huy động tàu ra ứng cứu. Ðến khoảng 6 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu nạn đã cứu được cả chín người.

★ Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17 giờ ngày 4-7, bão số 2 đã làm 112 nhà, 150 ha lúa, 210 ha hoa màu ở tỉnh Nghệ An bị ngập; 54 nhà bị tốc mái ở Hòa Bình...

★ Ngày 4-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ðức Quyền đi kiểm tra tình hình mưa bão và công tác khắc phục sự cố sụt, tụt mặt đường 513, thuộc xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia. Sáng cùng ngày, tại xã Hải Hà có mưa lớn, khiến xói lở, sụt mặt đường khu vực phía nam cầu Yên Hòa trên đường 513 nối Khu kinh tế Nghi Sơn với tỉnh Nghệ An, khiến ba xe máy cùng người tham gia giao thông tụt, rơi xuống hố sụt làm hai người chết, ba người bị thương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo huyện Tĩnh Gia đến chia buồn, động viên người thân, phối hợp gia đình mai táng các nạn nhân. Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Tĩnh Gia đã trao khoản hỗ trợ hơn 30 triệu đồng chia sẻ khó khăn, mất mát với gia đình các nạn nhân. Về việc khắc phục đường 513, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo trước mắt cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực không cho người, phương tiện qua lại điểm lở, sụt. Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh khẩn trương xây dựng phương án, triển khai khắc phục hư hỏng công trình giao thông theo hướng nhanh nhất, bảo đảm ứng phó với mưa lũ, an toàn công trình...

★ Ngày 4-7, UBND thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Ðồng Tháp) cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn, tại địa bàn vừa xảy ra sạt lở trên tuyến đường giao thông nông thôn ô 4 (đoạn cầu Ba Ðổi đến đường Nguyễn Văn Khải, khóm Mỹ Phú Cù Lao), đoạn sạt lở có chiều dài 35 m, ăn sâu vào đất liền hơn 2 m. Chiều cùng ngày, ngành chức năng đang khẩn trương khắc phục đoạn sạt lở nêu trên. Tại huyện Lấp Vò xảy ra mưa to, kèm theo dông lốc làm sập sáu căn nhà, tốc mái 18 căn, ngã đổ ba trụ điện, ước tổng thiệt hại hơn 214 triệu đồng...

★ Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, ngày 4-7, trên địa bàn tỉnh xảy ra hai vụ cháy rừng. Trong đó, vụ cháy rừng ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh đã được khống chế. Còn vụ cháy rừng xảy ra vào đầu giờ chiều cùng ngày tại khu rừng trồng thuộc thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Ðịnh Tây, huyện Phú Hòa đang diễn biến phức tạp. Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động tối đa các lực lượng tại chỗ như: dân quân tự vệ, bộ đội, công an xã, người dân để chữa cháy, song đến 18 giờ cùng ngày vẫn chưa thể khống chế được đám cháy. UBND huyện Phú Hòa đã báo cáo và xin hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh để tiếp tục khắc phục. Khu rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng của người dân từ hai đến sáu năm tuổi, diện tích rừng bị cháy ước tính 50 héc-ta...

★ Ngày 4-7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt bảy triệu đồng đối với lái xe ô-tô kiêm chủ hàng vi phạm các quy định pháp luật thú y; buộc tiêu hủy số lợn được vận chuyển từ vùng có dịch. Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 3-7, lực lượng liên ngành trực tại Chốt kiểm dịch động vật Thành Vân, thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) phát hiện xe ô-tô tải BKS 17C-03784 lưu hành trên quốc lộ 45 có hành vi vượt chốt kiểm dịch cho nên đã tổ chức truy đuổi, bắt giữ. Trên xe chở một số lợn nái có biểu hiện ốm, xuất phát từ vùng dịch, nhưng lái xe Hoàng Văn Sơn (SN 1976, ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đồng thời là chủ hàng) không xuất trình được hồ sơ kiểm dịch. Hoàng Văn Sơn khai nhận mua tám con lợn (tổng trọng lượng 1.600 kg) ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang trên đường chở đến huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tiêu thụ thì bị lực lượng kiểm dịch phát hiện, bắt giữ.

★ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ðác Lắc cho biết, tính đến ngày 3-7, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan rộng ra năm huyện gồm: huyện Buôn Ðôn, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Pác và TP Buôn Ma Thuột, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 1.438 con, tổng trọng lượng hơn 60 tấn.

★ Chiều 4-7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh xác nhận, kết quả mẫu xét nghiệm số lợn có triệu chứng mắc DTLCP tại ba hộ chăn nuôi thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh dương tính với DTLCP. Sau khi nhận thông tin một số con lợn của ba hộ nêu trên có triệu chứng DTLCP vào ngày 3-7, chi cục đã tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 để xét nghiệm xác định nguyên nhân và tiến hành tiêu hủy 122 con lợn nghi nhiễm dịch.

★ Tính đến ngày 4-7, DTLCP đã xảy ra trên đàn lợn của 2.267 hộ chăn nuôi, tại 97 trong tổng số 122 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Cạn; đã tiêu hủy hơn 16.700 con lợn với tổng trọng lượng hơn 765 tấn. Ðể phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh đã cấp phát 11.325 lít hóa chất, thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, quản lý chặt chẽ vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ lợn, yêu cầu dừng tái đàn trong thời điểm này.

★ DTLCP đã xuất hiện tại 32 xã, phường, thị trấn của tám huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương với tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 20.327 con. Lực lượng chức năng của tỉnh đang tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất...

Theo Nhân dân
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?