Theo Giám đốc Trung tâm DBKTTV quốc gia Mai Văn Khiêm, rất hiếm khi Việt Nam phải đối mặt với bão di chuyển từ Tây sang Đông rồi mới quay lại về phía đất liền. Nhiều khả năng bão sẽ đạt cường độ cực đại khi ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đạt cấp 12, giật cấp 14-15).
Hồi 7h ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây-tây nam, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo đến tối ngày 10/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa (thời điểm triều ở mức cao trong ngày từ 1,7-2,1m). Khu vực quần đảo Trường Sa và giữa biển Đông có sóng cao từ 7,7 m tới 8,3 m. Vùng biển Quảng Trị đến Ninh Thuận có sóng cao từ 5,5-7,9 m và vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Bắc và Nam Biển Đông có sóng cao trên 5 m.
Đến thời điểm này, chưa thể dự đoán cụ thể được cường độ và thời gian bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Nhiều đơn vị dự báo cho rằng, bão số 6 có thể đổ bộ vào đất liền trong chiều tối 10/11 với cường độ khoảng cấp 8-9, giật cấp 12-13. Khu vực ảnh hưởng của bão số 6 dự đoán là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Sau khi nghe báo cáo từ các thành viên Ban chỉ đạo và tại các điểm cầu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là cơn bão mạnh và có diễn biến phức tạp nhất kể từ đầu năm đến giờ, nhất là tiếp sau cơn bão số 5. Chúng ta phải chủ động phương án ứng phó nhằm giảm được thiệt hại cao nhất.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành viên của Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đặc biệt phải bảo đảm an toàn trên biển, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền để yêu cầu họ vào nơi tránh trú. Các địa phương và lực lượng chức năng ban hành lệnh cấm biển và chủ động cho học sinh nghỉ học; chủ động di dời, kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè nuôi trồng trên biển… đến nơi an toàn.
Bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch; bảo vệ an toàn các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, nhà cửa của dân, gia cố công trình đê biển xung yếu. Có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân khu vực miền núi và trung du vì đây là khu vực có độ dốc lớn, dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cùng địa phương có trách nhiệm bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, điều tiết nước trong hồ chứa cho thủy điện và thủy lợi.
Các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến cơn bão để phối hợp với bộ ngành, địa phương trong việc chỉ đạo ứng phó với phương châm 4 tại chỗ.