. Đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha và nằm cách biệt giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn; cách khu dân cư gần nhất khoảng 200m. Đàn khỉ hoạt động và kiếm ăn tự do trên đảo và thường xuyên được cụ Nguyễn Thị Chất (một người dân địa phương) cho ăn.
Mỗi ngày, vào khoảng 15 giờ, cụ Chất lại chèo thúng mang các loại trái cây, bánh kẹo, cơm nắm ra cho đàn khỉ. Cụ Nguyễn Thị Chất cho biết, đàn khỉ thích ăn nhất là chuối, bơ, ngô, bánh tráng, bánh quy. Các loại trái cây cho khỉ ăn chủ yếu được các tiểu thương ở chợ và người dân trong thôn mang cho. Có những lúc, cụ bỏ tiền mua với giá “ưu đãi” từ các tiểu thương. Nếu không có sẵn trái cây, bánh kẹo, cụ lại nắm cơm mang ra cho đàn khỉ. Lo lắng đàn khỉ bị đói, cụ Nguyễn Thị Chất mong muốn luôn có sức khỏe để có thể chèo thúng ra đảo cho đàn khỉ ăn nói chuyện với chúng.
Ông Nguyễn Văn Bắc, người dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông cho hay, thời gian đầu thấy cụ Chất mỗi ngày đều mang thức ăn cho đàn khỉ, người dân trong thôn đều cho rằng cụ không bình thường và không ủng hộ. Lâu dần, đàn khỉ trở nên thân thiện hơn với những ngư dân đánh bắt hải sản ven đảo và những người tới câu cá.
Đặc biệt, khi thấy đàn khỉ, người dân chỉ cần nói lớn “Tôi là cháu của cụ Chất, tôi đến đây chỉ bắt con tôm con cá” thì sẽ không bị quấy, phá. Sau này, thấy được việc làm ý nghĩa của cụ Chất, bà con trong thôn thường góp đồ ăn cho đàn khỉ.
Theo chính quyền địa phương, để đảm bảo môi trường tự nhiên cho đàn khỉ sinh sống thì cần bảo tồn được rừng tại đảo Hòn Trà bởi tại đây là rừng trồng và chủ yếu là cây tràm, keo lai sắp đến thời gian khai thác.
Vì vậy, địa phương phải có kế hoạch bảo tồn, trồng thêm một số loại cây để tạo môi trường tự nhiên cho đàn khỉ sinh sống lâu dài.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, nhận định về lâu dài, cần lập dự án bảo vệ, bảo tồn đàn khỉ kết hợp phát triển điểm du lịch sinh thái đảo Hòn Trà; đồng thời kêu gọi các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong nước, quốc tế chung tay tham gia công tác bảo tồn đàn khỉ tại địa phương hoặc di dời đến rừng tự nhiên phù hợp với tập tính của chúng.