Ngày 13-6, phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Nội dung đáng chú ý nhất là việc HĐXX mời đại diện Bộ Y tế và đại diện Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đến tòa để làm rõ hai công văn mà cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình nhận được.
Vì sao Bộ Y tế gửi công văn mật?
Người đại diện Bộ Y tế đến tòa ngày 13-6 là ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ông Quang cho biết sau phiên tòa sơ thẩm, Bộ nhận được rất nhiều văn bản của các nhà khoa học về kỹ thuật lọc máu, hóa học, pháp y… Thủ tướng Chính phủ cũng tổ chức một buổi họp do lãnh đạo Bộ Y tế trình bày và đề nghị Bộ có công văn chính thức.
Ngày 16-3-2019, Bộ Y tế có Công văn mật số 41 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong của tám nạn nhân trong sự cố y khoa chạy thận Hòa Bình.
Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế ra Công văn mật số 69 gửi Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan đến quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ chưa nhận được phản hồi của các cơ quan trên.
Đáng chú ý, ông Quang cho rằng nguyên nhân chết của tám nạn nhân trong vụ án là chưa thỏa đáng, có nhiều uẩn khúc, nghi vấn và cần phải làm rõ.
Theo đại diện Bộ Y tế, liệu nguyên nhân chết của tám nạn nhân có phải do florua? Bởi triệu chứng ngộ độc florua khác so với các biểu hiện của các bệnh nhân đã tử vong. Trước đó, cả tám bệnh nhân đều được kết luận là do sốc phản vệ. Kết luận điều tra nạn nhân chết do florua không phù hợp với diễn biến lâm sàng, khoa học của bệnh nhân.
Đại diện Bộ Y tế đưa ra giả thuyết nguyên nhân tử vong là do bị nhiễm bẩn đa chất từ RO1 vào RO2, trong đó có một phần hóa chất được sử dụng để sục rửa hệ thống.
Đại diện Bộ Y tế cũng đặt ra một loạt câu hỏi: “Vì sao những lần trước Bùi Mạnh Quốc không xét nghiệm AAMI, bệnh nhân vẫn không sao. Lần này không xét nghiệm, bệnh nhân lại chết?”, “Vì sao Quốc dùng HF và HCl mà khi xét nghiệm lại chỉ có HF, có phải nguyên nhân tử vong là một nguyên nhân khác?”…
Đối đáp lại, đại diện Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là florua. Viện chịu trách nhiệm với tất cả quá trình thu thập, điều tra của vụ án khách quan, khoa học. Trước đó, viện đã có những cuộc hội thảo với rất nhiều chuyên gia mới đưa ra được kết luận trên. Đại diện cơ quan này cũng cho rằng Bộ Y tế trích dẫn tài liệu về dấu hiệu ngộ độc florua là không đầy đủ.
Bộ Y tế kêu oan cho Lương và các bị cáo
Như vậy, trong khi Hoàng Công Lương đã thừa nhận mình phạm tội vô ý làm chết người, Bộ Y tế vẫn bảo lưu quan điểm của mình (Công văn số 2569 - PV) về vụ án, tức cho rằng tòa sơ thẩm kết tội bị cáo là chưa phù hợp.
Trở lại với diễn biến phiên tòa, cũng vì sự thay đổi kháng cáo của Hoàng Công Lương, các phần xét hỏi đối với cựu bác sĩ (BS) khoa Hồi sức tích cực này không còn nhiều tình tiết phức tạp. Bản thân bị cáo và luật sư bào chữa cho mình chủ yếu tập trung vào các tình tiết có thể giảm nhẹ mức án.
Tại tòa, hôm qua (13-6), khi được chủ tọa hỏi có trình bày thêm căn cứ nào cho nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hay không, Lương cho hay hiện tại chưa có quan điểm gì.
Khi được một luật sư hỏi về Công văn số 2569 của Bộ Y tế, Lương nói không biết, đồng thời khẳng định vấn đề tội danh sẽ nhờ HĐXX xem xét khách quan, toàn diện chứ không có phản biện gì.
Một điều khá bất ngờ là không chỉ riêng Hoàng Công Lương, Bộ Y tế còn “kêu oan” cho hầu hết các bị cáo trong phiên phúc thẩm lần này. Điều đó thể hiện qua nội dung của Công văn số 2569.
Đối với hai bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) và Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV), Bộ Y tế cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu BV có thể được đặt ra nhưng tính chất, mức độ đến đâu thì phải chứng minh được mối quan hệ từ hành vi của hai bị cáo dẫn đến hậu quả vụ án.
Tuy nhiên, để xảy ra sự cố chết người, trách nhiệm chính thuộc về các bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn với lỗi vô ý. Việc cáo buộc hai bị cáo thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là “khiên cưỡng, yếu chứng lý”.
Tương tự, ngay cả Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn), Bộ Y tế cũng cho rằng tòa sơ thẩm buộc tội bị cáo khi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể cũng như hành vi vi phạm, ông Tuấn là giám đốc công ty 100% vốn tư nhân…
Nguyên nhân chết vẫn là điều bí ẩn?
Trao đổi bên ngoài phòng xử với PV, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng những phản biện của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vẫn chưa thể làm rõ nguyên nhân tử vong của các nạn nhân, đây vẫn là một bí ẩn.
Khi hỏi về vấn đề của Hoàng Công Lương, ông Quang khẳng định Bộ Y tế nhìn nhận vụ án dưới góc độ toàn diện chứ không vì bất cứ cá nhân nào. Bộ Y tế mong muốn vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, không để oan người vô tội nhưng không để lọt tội. Việc cáo buộc tội danh phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan một cách thuyết phục.