Theo thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, sáng ngày 14/6, BV Đa khoa Tuyên Quang cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho bé Triệu Thị M. (3 tuổi, ở huyện Yên Sơn) bị sốc phản vệ do kiến đốt.
Trước đó, bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, nổi mề đay. Gia đình cho biết, trước đó bé chơi dưới gốc cây xoan gần nhà. Trong lúc chơi đùa, bé đã bị kiến đốt 1 nốt vào bàn chân. Gia đình thấy bé gãi nhiều, sau đó mặt và môi tím nhanh nên nhanh chóng đưa đến Trạm Y tế xã Tân Tiến (huyện Yên Sơn) để cấp cứu. Do tình trạng nặng nên bé được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Ngay khi nhập viện, bé M. đã được tổ hướng dẫn người bệnh đưa thẳng lên cấp cứu tại khoa Nhi. Rất nhanh chóng, kíp cấp cứu của khoa Nhi đã cấp cứu theo "Sơ đồ chẩn đoán và cấp cứu phản vệ". Hiện tại, bệnh nhi M. đang tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh nhi đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Sức khỏe và Đời sống |
Báo Gia đình và Xã hội đưa tin, mới đây, một phụ nữ cũng nguy kịch vì sốc phản vệ sau 1 giờ ăn trứng kiến. Nữ bệnh nhân ở Quảng Ninh bị nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, nôn nhiều, huyết áp tụt. Bà được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Bệnh viện của Bộ Y tế đóng tại Quảng Ninh).
Các bác sĩ cho biết phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hậu quả của phản vệ vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.