Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 14/8, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa phát hiện và điều trị thành công trường hợp một bé gái mới hơn 2 tháng tuổi bị rò khí quản vào đường mật hiếm gặp, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận được khoảng dưới 40 trường hợp.
Trước đó, bé gái (ngụ Gia Lai), sau sinh bị vàng da, viêm phổi, nằm điều trị hơn 2 tuần tại một BV ở tỉnh. Thấy bé vẫn ho nhiều, có lúc sặc tím tái nên gia đình lo lắng đưa bé đến BV Nhi Đồng 2.
Tại BV Nhi đồng 2, ban đầu bé được chẩn đoán và điều trị viêm phổi hít, nghi do trào ngược dạ dày - thực quản, trên trẻ dị ứng đạm sữa bò. Tuy nhiên sau điều trị bệnh không thuyên giảm mà bị viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng, ho càng nhiều và nặng nề, bà và mẹ thường xuyên phải bế trên tay. Đôi lúc, sau khi ho, bé ói ra nhớt trong có lẫn ít dịch vàng.
Sau hội chẩn, BV quyết định phẫu thuật ngay cho bé. Bé có đường rò khá dài từ nơi chia đôi phế quản xuyên qua cơ hoành đến gan, nằm cạnh bên thực quản và mạch máu, thần kinh vùng ngực, báo Người Lao Động đưa tin.
Ê kíp phẫu thuật đã cắt, khâu đầu trên đường rò sát gốc carina và khâu, cột đầu dưới đường rò sát trên cơ hoành.
Phẫu thuật diễn ra khá khẩn trương và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương hệ thống mạch máu, thần kinh cạnh bên, đồng thời cũng đòi hỏi ê kíp hết sức cẩn thận trong quá trình gây mê vì khi phẫu thuật, bé mới hơn 2 tháng tuổi và đang bị viêm phổi.
Khi làm xẹp 1 bên phổi để mở rộng phẫu trường, cần phải cung cấp đầy đủ oxy cho bé, thao tác phải nhanh và chính xác, để tránh tình trạng thiếu oxy não cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật phức tạp nối đường rò mật - khí quản lần đầu thực hiện ở Việt Nam - Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Trao đổi với báo Công an TP.HCM, ThS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, trưởng ê kíp mổ cho biết, theo y văn thế giới, trường hợp rò khí quản vào đường mật rất hiếm gặp. Đây là bệnh lý hình thành từ lúc bào thai, chưa tìm được nguyên nhân. Đến nay có chưa đến 40 trường hợp được báo cáo riêng lẻ, chẩn đoán khó khăn, nhất là ở trẻ sơ sinh – nhũ nhi vì lỗ khí quản nhỏ.
Nếu phẫu thuật kịp thời, sẽ cho kết quả tốt. Ngược lại, nếu phát hiện trễ sẽ làm tình trạng viêm phổi nặng hơn, phẫu thuật gây mê khó khăn, khả năng tử vong cao, đặc biệt khi kèm theo các dị tật đường mật phối hợp.
Bé được theo dõi hậu phẫu tại Khoa Hồi sức tích cực để tránh nguy cơ bụng chỗ cột đường rò, tái phát suy hô hấp, sau đó chuyển lại Khoa Hô hấp 2 để tiếp tục điều trị, chăm sóc hồi phục sức khỏe. Hiện tại, sau gần 3 tuần mổ, bé đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện.
Tổng hợp