Lãnh đạo Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, mới đây, bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhi bị bỏng nặng sinh năm 2006, địa chỉ tại TP Uông Bí.
Bệnh nhi 14 tuổi dùng cồn để đốt làm thí nghiệm tại nhà thì bị bén lửa lên người gây bỏng vùng ngực, bụng, đùi và 2 cánh tay. Mặc dù diện bỏng trên cơ thể bệnh nhi lớn nhưng gia đình không đưa con đến viện ngay mà tự đắp thuốc Đông Y tại nhà. Đến khi bệnh nhi sốc nặng mới được đưa vào viện.
Được biết, bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng lơ mơ, vật vã, sốt 37,8 độ, mắt trũng. Các vết bỏng ở vùng ngực, bụng, hai đùi, hai cánh tay, vùng bìu, hậu môn bám bột đen dạng than hoạt tính khô.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán sốc, bỏng da độ I, II diện tích khoảng 39% do cháy cồn, biến chứng suy thận cấp, hạ natri máu. Bác sĩ chỉ định truyền dịch, huyết tương, điều trị kháng sinh giảm đau, vận mạch nâng huyết áp...
Sau khoảng 12 giờ hồi sức tích cực, tình trạng sốc tạm ổn định, bé được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) tiếp tục điều trị, Vnexpress đưa tin.
Trao đổi với PV Vietnamnet, các bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp bỏng rộng cần đi cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay, không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp Đông y sẽ không có hiệu quả.
Đặc biệt người dân cần hết sức thận trọng trong sử dụng các chất đốt như cồn, xăng dầu… vì nguy cơ gây bỏng diện rộng của các chất này.
Các trường hợp bỏng diện tích lớn và sâu, trên 10% diện tích cơ thể rất dễ gặp tình trạng sốc bỏng. Người bệnh có khả năng suy sụp đột ngột toàn bộ chức năng của cơ thể do chấn thương bỏng.
Người bệnh có thể bị sốc nhiễm độc nhiễm trùng, sốc mất dịch. Diện tích bỏng càng rộng, độ sâu càng lớn thì tỷ lệ sốc càng cao và mức độ càng nặng. Tình trạng sốc nếu không được kiểm soát, nguy cơ tử vong cho người bệnh rất cao.