Theo thông tin từ VTC NEW, khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, vừa tiếp nhận một bệnh nhi tên là N.T.Đ 6 tuổi, sống tại Đoan Hùng, Phú Thọ. Cháu bé bị chó cắn nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, phần đùi, mông có nhiều vết thương hở.
Người nhà bé Đ. cho biết, bé bị chó cắn khi sang nhà hàng xóm chơi với bạn. Khi hai đứa trẻ đang đuổi bắt nhau ở sân nhà thì bất ngờ con chó xông đến cắn liên tiếp vào đùi, mông bé Đ.. Con chó nặng tới 10kg đè sát vào người Đ. khiến em không thể chống cự.
Sau khi bị chó cắn, bé Đ. rơi vào tình trạng hoảng loạn, phần đùi, mông có rất nhiều vết thương. |
Các bác sỹ phòng cấp cứu cho biết, bệnh nhi rất hoảng sợ, khóc nhiều, các vết thương liên tiếp ở khu vực đùi, mông, bẹn bệnh nhi. Bệnh nhi đã được sát khuẩn vết thương và nhập viện điều trị.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây phòng cấp cứu bệnh viện này và nhiều bệnh viện chuyên khoa Nhi tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu do chó cắn hoặc sau cắn hai đến ba ngày.
Theo báo điện tử Gia đình và Xã hội đưa tin, trước đó, tháng 5/2018, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé B.M.Đ. (sinh tháng 8/2016) bị chó nhà nuôi cắn làm tổn thương phức tạp vùng mặt, có vết thương xuyên thấu từ ngoài vào vùng má. Chú chó này đã chết sau khi cắn bé Đ..
Bé bị vết cắn hở to, phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương vùng khoang miệng, vùng dưới ổ mắt, rách môi, mũi phức tạp, rách cơ vùng môi mặt, vết thương xuyên thấu từ ngoài vào vùng má. Sau khi được sơ cứu tại gia đình, bé được bố mẹ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào 21h cùng ngày trong tình trạng kích thích, đau, hoảng sợ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được các bác sĩ khẩn trương cho làm các xét nghiệm để phẫu thuật sớm. Các chuyên gia về tạo hình sọ mặt hội chẩn, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tạo hình lại vùng mặt, mắt, mũi, khoang miệng, đặt ống dẫn lưu, khâu phục hồi ống stenon (ống tuyến nước bọt) cho bé.
Sau phẫu thuật ngày thứ 2, bệnh nhi đã tự uống sữa và ăn cháo loãng, sau đó xuất viện trong tình trạng ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ.
Tổng hợp