Ghi nhận tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hơn 200 trẻ đang điều trị nội trú, trong đó có khoảng 20 trẻ biến chứng nặng, viêm phổi. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1 cho biết, từ 2 tuần trước, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp bắt đầu gia tăng. Lượng bệnh nhi nội trú tăng khoảng 25% so với tháng trước, số bệnh nhi khám điều trị ngoại trú cũng tăng cao. Những bệnh lý phổ biến nhất mà trẻ mắc phải trong đợt này là viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn. Một số trẻ nhập viện trong tình trạng hô hấp khó khăn, sốt cao và có trường hợp nặng phải thở oxy hoặc thở máy.
Đang chăm con gái 9 tháng tuổi mắc viêm phổi, chị Thanh Trúc (ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết, cách đây hơn 1 tuần, con gái chị bị ho, sốt, sổ mũi. Dù đã khám bác sĩ gần nhà nhưng tình trạng không cải thiện, nên ngày 5/10 gia đình quyết định đưa bé vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Đến Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ cho biết con chị Trúc bị viêm phổi rất nặng, phải nằm phòng cấp cứu.
Theo bác sĩ Phong, quý 4 hằng năm là thời điểm hô hấp ở trẻ em vào mùa. Bệnh lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan nhanh khiến cho trẻ sinh hoạt trong môi trường tập thể dễ bị mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng trẻ em mắc các bệnh hô hấp cũng đang gia tăng trong hai tuần trở lại đây. Theo các bác sĩ, thông thường, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp đều có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… Các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn phát triển.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị cho một trẻ em mắc bệnh hô hấp. |
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam bước vào mùa bệnh hô hấp. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tuần có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính được ghi nhận, có khi số ca bệnh tăng lên hơn 20.000 ca; trong đó, trẻ em chiếm khoảng 60%.
Để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành Y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế. Đặc biệt, phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh viêm phổi để đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Triệu chứng sớm của bệnh viêm phổi là trẻ có ho kèm thở nhanh hơn bình thường, thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái.
Phụ huynh cũng cần lưu ý vấn đề dinh dưỡng, bù đủ nước, nước trái cây, điện giải cho trẻ, giữ vệ sinh môi trường, tránh nơi có khói thuốc lá, nơi đông người và tiêm chủng vaccine đầy đủ.