Tháng 11/2001, ca lao vú đầu tiên được ghi nhận tại BV Ung bướu TP.HCM, đó là một bệnh nhân nữ, sinh năm 1965, ngụ ở Gò Vấp, nhập viện trong tình trạng vú trái bị sưng và có khối u.
Sau khi làm được làm sinh thiết, bệnh nhân đã được chẩn đoán là lao vú và được chữa khỏi bệnh. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán là áp-xe vú, nghi ung thư và đã đi chữa trị nhiều nơi. Đây cũng là bệnh nhân vừa được BV Ung bướu tiếp tục làm phẫu thuật cắt lọc đường dò (dù đã điều trị xong bệnh lao) vào tháng 3/2005.
Lao vú thường dễ bị nhầm lẫn với ung thư, áp xe vú. Nguyên nhân là vì do chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang) và biểu hiện lâm sàng của 2 bệnh này là gần giống nhau.
(Ảnh minh họa)
Do dễ nhầm lẫn như vậy nên nếu chẩn đoán sai, sẽ rất tốn kém khi chữa trị và bệnh nhân có thể bị... đoạn nhũ. Bên cạnh đó, nếu để lâu sẽ gây ra đường dò bên trong, phải phẫu thuật tiếp dù đã điều trị hết bệnh lao như trường hợp trên hoặc làm biến dạng vú gây ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Nó cũng có thể gây ra những thể lao khác như xâm nhập ngược trở lại lồng ngực, gây ra lao phổi và lao màng phổi.
Bệnh lao vú là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với chị em phụ nữ, bởi bệnh tiềm ẩn và khó phát hiện. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này, để có thể phòng tránh và nếu mắc bệnh thì bạn sẽ có biện pháp điều trị sớm nhất.
Bệnh lao vú là gì?
Theo các bác sỹ chuyên khoa, nhiều bộ phận trong cơ thể đều có thể bị lao, như: lao thận, lao xương, lao da... Khi vi khuẩn lao sinh sôi và hình thành ổ bệnh ở vú thì gọi là lao vú.
Lao vú là tình trạng vi trùng lao tấn công vào mô tuyến vú, đây là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp. Thường thì vi trùng lao di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết từ nơi khác đến vú nên khi khả nghi lao vú các bác sĩ cố gắng tìm thêm các ổ nguyên phát khác.
Quá trình phát hiện bệnh có thể kéo dài từ vài tháng thậm chí vài năm, thường xảy ra ở một bên vú phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nam cũng có thể bị nhưng rất hiếm.
Thực tế, lao vú rất dễ nhầm lẫn với ung thư vú và áp-xe vú sinh mủ thông thường, các bác sĩ thường cho chỉ định sinh thiết để vừa lấy được mẫu mô thử giải phẫu bệnh lý nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Ai có thể mắc bệnh lao vú?
Bệnh lao vú đa phần xảy ra ở phụ nữ trẻ hoặc trung niên, chủ yếu ở người đã lập gia đình và đã sinh đẻ. Lao vú cũng là bệnh mang tính toàn thân, cho nên khi điều trị cần chú ý đến nghỉ ngơi, dinh dưỡng.
Lao vú lây nhiễm qua đường nào?
Thường thì vi trùng lao di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết từ nơi khác đến vú nên khi khả nghi lao vú nên cố gắng tìm thêm các ổ nguyên phát khác.
Tuy nhiên nhiều chị em không để ý việc mặc trang phục áo nịt ngực quá chặt, bó ép vòng 1, gây nóng bức, ngứa, gãi làm trầy xước da khiến vi trùng lao vô tình có ở tay đi thẳng đến vết thương trên da tuyến vú là một trong ba nguyên nhân dẫn đến lao tuyến vú .
Ngoài ra cũng có những nguyên nhân người bệnh đang bị lao phổi, lao xương sườn, từ những ổ lao này vi trùng lao xâm lấn trực tiếp ra mô vú hoặc hạch qua đường rò mủ (đường lây kế cận)…
Điều trị bệnh lao vú
Nếu lao vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao ở lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não.
Điều trị, cũng giống như lao phổi, phải dùng kháng lao tối thiểu sáu tháng. Tuy nhiên, trong quá trình dùng kháng lao, tùy theo diễn tiến bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa, điều này do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán.
Chị em không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1.
Q.Mai